Đại dịch Covid-19 khiến tầng lớp trung lưu thế giới sụt giảm kỷ lục
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đại dịch Covid-19 và các tác động từ việc nhiều quốc gia đóng cửa nền kinh tế đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD.
Báo cáo của UNCTAD cho thấy, mặc dù dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 4,7% trong năm 2021 nhưng sẽ giảm đi hơn 10 nghìn tỷ USD so với con số dự kiến nếu đại dịch không xảy ra.
“Năm 2020, nền kinh tế thế giới đã ghi nhận mức sụt giảm sản lượng hàng năm lớn nhất kể từ khi công bố số liệu thống kê về hoạt động kinh tế toàn cầu vào đầu những năm 1940”, công bố từ Hội nghị của UNCTAD ngày 18/3 cho hay.
Số liệu của UNCTAD nhấn mạnh, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc bắt đầu hồi phục, nhiều nước nghèo hơn vẫn đang phải vật lộn với thiệt hại kinh tế từ Covid-19.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu về tác động Covid-19 đến các đối tượng trong nền kinh tế toàn cầu cho thấy, tầng lớp trung lưu toàn cầu đã lần đầu tiên bị thu hẹp trong nhiều thập kỷ vào năm 2020 do tác động của đại dịch, với gần 2/3 số hộ gia đình ở các nền kinh tế đang phát triển cho biết họ đã bị mất nguồn thu nhập.
Báo cáo của WB cũng cho biết, xếp hạng người nghèo trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Ước tính có khoảng 124 triệu người đã giảm xuống dưới mức 1,9 USD cho mức nghèo cùng cực vào năm 2020. Số người nghèo mới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 lên tới 163 triệu người.
Trong nghiên cứu được công bố vào hôm 18/3, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết, năm 2020, số người thuộc tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng bởi đại dịch là 150 triệu người, nhiều hơn cả dân số của Pháp và Đức cộng lại. Đại dịch cũng đã khiến thế giới tăng 131 triệu người nghèo – những người đang sống dưới 2 USD/ngày.
TS Kochhar, chuyên gia kinh tế, tác giả của nghiên cứu cho rằng, điều gì xảy ra tiếp theo đối với tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi ở các quốc gia chủ chốt. Nếu như dịch bệnh Covid-19 chấm dứt, những lo ngại về nền kinh tế có thể sẽ không còn.
Theo WB, tính đến tháng 9/2020, các nền kinh tế phát triển đã chi trung bình 7,4% tổng sản phẩm quốc nội để cứu các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, so với 3,8% GDP ở các thị trường mới nổi và 2,4% ở các nước có thu nhập thấp.
Nước Mỹ cũng đang nhanh chóng tiến hành tiêm phòng Covid-19 cho người dân và mở rộng các nỗ lực cứu trợ của Chính phủ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch giải cứu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden vào tuần trước.
Ngân hàng Trung ương Brazil hôm thứ Tư đã công bố mức tăng lãi suất chính sách lớn nhất trong một thập kỷ trước những lo ngại ngày càng tăng về lạm phát. Các nhà kinh tế cũng đang theo dõi khả năng ảnh hưởng của các quốc gia mới nổi khi lợi tức kho bạc Mỹ tăng và đồng USD tăng lên khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Hữu Hưng