Đại dịch Covid-19 đang “giết chết” ngành du lịch của Việt Nam
Trong thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu, cùng các biện pháp của Việt Nam hạn chế đi lại đã tác động mang tính “hủy diệt” đối với lĩnh vực lữ hành và lưu trú du lịch, với số lượng du khách quốc tế bằng 0 và du khách nội địa lèo tèo.
Điều đó đã khiến cho phần lớn người lao động trong ngành mất việc lâu dài hoặc tạm dừng hợp đồng, cùng với những người chỉ còn thu nhập rất thấp hoặc hoàn toàn mất thu nhập do những biện pháp mà các doanh nghiệp buộc phải thực hiện.
Dẫn thông tin từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế, TAB cho biết, năm 2019 ngành du lịch của Việt Nam đã đóng góp 8,8% GDP (536,000 tỷ đồng). Số lượng người lao động đạt 4,9 triệu người, hay 9,1% tổng số lao động cả nước. Những con số đó trên thực tế còn cao hơn đáng kể nếu tính cả các hoạt động kinh tế phi chính thống. Trong 4 năm gần đây, cứ 4 việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có 1 việc làm là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Những điều trên cho thấy ảnh hưởng kinh hoàng của đại dịch đối với lĩnh vực này.
Khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn cho thấy, nếu tình hình hiện nay kéo dài 3 tháng thì 30% doanh nghiệp không trụ được và nếu kéo dài 6 tháng thì số doanh nghiệp không thể trụ được là 50%; đồng thời trong quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đóng cửa – đây là mức đóng cửa doanh nghiệp hàng quý cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã giảm lực lượng lao động và 75% doanh nghiệp sẽ phải giảm Trang 2 số lao động.
Trước tình hình này, TAB cho rằng sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong quý II và sẽ còn cao hơn thế. Theo TAB, một số nước nói du lịch và lữ hành là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động. Như, Singapore đã công bố chính sách tín dụng, theo đó các công ty trong lĩnh vực này có thể vay đến 01 triệu S$ với lãi suất 5%, hoàn lại thuế tài sản, đồng thời chính phủ đóng góp 8% lương của người lao động trong 3 tháng. Còn Thái Lan, chính phủ nước này đã công bố sẽ hỗ trợ 62% lương hàng ngày của người lao động trong lĩnh vực này, tối đa đến 15,000 bạt mỗi tháng (460 USD).
Từ ngày 13-17/ 4, TAB được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và công ty Grant Thornton Vietnam hỗ trợ, đã khảo sát 394 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành (xem Phụ lục 1), bao gồm 51% là doanh nghiệp lữ hành, 15% là doanh nghiệp khách sạn và 14% là doanh nghiệp vận chuyển. 92% doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người. Trong số các phản hồi nhận được, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong quý I năm 2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý II sẽ giảm hơn 80% so với quý II/2019.
Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, TAB cho hay, 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc với tỷ lệ hơn 50%. Đồng thời, 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc. Hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Đặc biệt, có 90% doanh nghiệp liên quan đến du lịch ở TP. Hồ Chí Minh đã ngừng hoạt động và 70% nhân viên (hơn 20.000 người) phải nghỉ việc không lương, trong khi đó 25 khách sạn và khu nghỉ cao cấp cho biết bị giảm tới 58% sản lượng trong quý I năm 2020 so với quý I năm 2019.
“Rất nhiều doanh nghiệp vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vì các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn của họ do các quan ngại về khả năng trả nợ của người vay, hoặc vì không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương”– TAB thông tin.
Với khó khăn của du lịch hiện tại, TAB đề xuất Chính phủ hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch để vượt qua đại dịch Covid-19. TAB mong muốn, Chính phủ cần sớm có những hành động hỗ trợ ngành và giảm thiểu việc các doanh nghiệp sa thải do dư thừa lao động và những tác động kinh tế – xã hội mà nó gây ra, đồng thời giúp các doanh nghiệp duy trì được hoạt động và có thể phản ứng nhanh khi thị trường bắt đầu được mở trở lại. Điều này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ.
TAB kiến nghị thêm, Chính phủ cần xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành thoát khỏi khó khăn.
Theo chương trình này, TAB nhấn mạnh, các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho 2 quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp. “Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động”- TAB nêu.
Chí Thanh