Cuối năm, xử lý nợ xấu ngân hàng vướng nhiều khó khăn

Dịp cuối năm cũng là thời điểm các ngân hàng ráo riết vào cuộc xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm với nhiều khoản nợ lớn được đại hạ giá hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay tiến trình xử lý nợ xấu vẫn vướng phải không ít khó khăn.

Xử lý nợ xấu đang là vấn đề khó khăn tại nhiều ngân hàng hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)

Nguy cơ nợ xấu “phình to”

Đến thời điểm hiện tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2018. Trong 9 tháng qua, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng như những năm trước (giới hạn toàn ngành 15 -17%).

Tuy nhiên cùng với “điểm sáng” lợi nhuận tăng trưởng cao, tại nhiều ngân hàng thương mại tình hình nợ xấu có xu hướng tăng từ 0,4%-1,3%, tùy từng ngân hàng. Tính đến hết quý 3/2018, BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 3.000 tỷ đồng, tương đương 21% so với thời điểm đầu năm 2018. Tại VietinBank, nợ xấu ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm. Còn tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng…

Khảo sát trong khối ngân hàng thương mại cổ phần thì ACB hiện có hơn 1.264 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 60% so với cuối năm 2017; tương tự nợ xấu của  MBBank cũng gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62%. Riêng nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại ngân hàng này.

Nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn “nằm” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại lên tới con số khoảng 145.000 tỷ đồng. Theo ý kiến của chuyên gia tài chính ngân hàng, nợ xấu tăng là do các ngân hàng để nợ xấu mới phát sinh trong khi vẫn chưa xử lý triệt để nợ xấu cũ. Điều quan trọng lúc này là các ngân hàng cần nhanh chóng xử lý rốt ráo các khoản nợ mới lẫn nợ cũ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững.

Liên tục đại hạ giá

Quan sát trên thị trường cho thấy trước nguy cơ nợ xấu sẽ tiếp tục tăng mạnh, thời gian gần đây VAMC cùng nhiều ngân hàng đang ráo riết bắt tay vào xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm, trong đó nhiều khoản nợ lớn được hạ giá hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử vừa qua VAMC đã thông báo đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của Công ty Thuận thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài. Đáng chú ý, giá khởi điểm được đưa ra lần này chỉ còn 843,7 tỷ, giảm 140 tỷ so với lần trước đó và giảm tới 364 tỷ đồng so với mức giá cao nhất từng đưa ra.

Ngân hàng BIDV cũng đang rao bán hàng loạt khoản nợ khủng của nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn như BIDV chi nhánh Ba Tháng Hai đang rao bán khoản nợ của Công ty CP Thương Mại Toàn Lực tại VAMC với giá khởi điểm hơn 241 tỷ đồng; hay BIDV và VAMC đấu giá khoản nợ hơn 678 tỷ đồng của Công ty CP Tiến Nga với giá khởi điểm gần 495 tỷ đồng.

Tại ngân hàng Agribank cũng đang chào bán nhiều khoản nợ, trong đó đáng chú ý là khoản nợ xấu của Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Agribank chi nhánh Sở giao dịch với giá khởi điểm giảm tới 80 tỷ đồng so với thông báo đấu giá hồi tháng 9, chỉ còn 160,5 tỷ đồng. Cùng chung số phận với những khoản nợ lớn, nhiều khoản nợ nhỏ ở Agribank cũng được rao bán nhiều lần nhưng không ai mua. Điển hình như khoản nợ xấu của Công ty Bình Lý (tại Agribank Hà Tây) với giá hơn 37,7 tỷ đồng qua 7 lần rao vẫn chưa tìm được chủ nợ mới.

Thực tế trên cũng đã phần nào cho thấy nỗ lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang vướng phải không ít khó khăn và Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh hơn tiến trình này.

Minh Đường