Cuộc khủng hoảng ngân hàng Trung Quốc

Đầu tháng này, hàng chục người đeo khẩu trang đã biểu tình bên ngoài một văn phòng chi nhánh của ngân hàng trung ương Trung Quốc ở tỉnh Hà Nam để đòi lại tiền tiết kiệm của họ.

Họ nằm trong số hàng nghìn người gửi tiền ở Trung Quốc mà những người biểu tình cho biết vẫn đang vận động để đòi bồi thường sau vụ bê bối ngân hàng nông thôn năm ngoái khiến tài khoản của họ bị đóng băng. Các biểu ngữ viết: “Khách hàng của Ngân hàng Thung lũng Silicon của Mỹ đã nhận lại được tiền sau ba ngày. Nhưng khách hàng của các ngân hàng Hà Nam, Trung Quốc đã không được trả một xu nào trong một năm”.

Vụ bê bối ngân hàng mới nhất của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái, khi năm ngân hàng nông thôn, bốn ngân hàng ở Hà Nam và một ở tỉnh An Huy phía đông, đóng băng tiền của người gửi tiền. Sanlian Lifeweek, một tạp chí nhà nước, ước tính có 400.000 khách hàng bị ảnh hưởng.

Một trong số họ nói rằng anh ta đã gửi toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình mình, trị giá khoảng 5 triệu nhân dân tệ, tương đương 726.000 USD, vào một trong các ngân hàng.

Họ nói rằng tất cả những gì họ muốn là lấy lại tiền nhưng yêu cầu của họ đã bị phớt lờ. Một số người nói rằng họ đang bị các quan chức địa phương theo dõi, quấy rối hoặc tấn công. Một người dân nói: “Tôi sống bằng cách ăn xin từ người khác hoặc nhận tiền quyên góp. Nếu không có tiền sớm thì tôi và các con chỉ biết sống lang thang ngoài đường, không nhà không cửa”.

Mùa hè năm ngoái, hàng trăm người gửi tiền đã xuống đường trong hàng loạt cuộc biểu tình để yêu cầu câu trả lời. Những người biểu tình khác đã bị đánh đập thậm tệ trước khi họ được phép rời đi.

Nhiều tuần sau khi các cuộc biểu tình ôn hòa bị các quan chức địa phương đàn áp bằng bạo lực, chính quyền tỉnh Hà Nam đổ lỗi vụ bê bối này là do gian lận tài chính, bắt giữ hơn 200 nghi phạm và hứa sẽ trả lại tiền cho người gửi tiền.

Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng là do “các cổ đông vô đạo đức” tại một số ngân hàng, cùng với các nền tảng và nhà môi giới bên thứ ba.

Theo những người phản đối, trong khi phần lớn những người gửi tiền đã nhận lại được tiền của họ trong năm qua, thì ước tính có “vài nghìn người” vẫn chưa nhận được gì.

Các ngân hàng, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận của CNN.

Các chuyên gia cho rằng các ngân hàng nhỏ ở các khu vực khác của Trung Quốc có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với sự suy giảm cơ cấu trong dài hạn.

Frank Xie, giáo sư tại Đại học Nam Carolina Aiken, cho biết: “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và có những tình huống tương tự ở các tỉnh khác. Tôi muốn nói rằng ít nhất một phần ba hoặc một phần tư số ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đang gặp khó khan”.

Các chuyên gia cho rằng điều này là do chính phủ không muốn tạo tiền lệ vì họ không đủ khả năng trang trải tiền gửi của tất cả các ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn của quốc gia, nếu các ngân hàng đó cũng phá sản.

Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết chính quyền trung ương không muốn “gửi đi thông điệp rằng nếu một ngân hàng cấp tỉnh gặp vấn đề và bị người dân phản đối, Bắc Kinh sẽ đơn giản đưa tiền mặt ra cứu trợ.  Vì vậy, đó là lý do tại sao họ sẵn sàng đàn áp người dân bằng cách sử dụng cảnh sát… để gửi thông điệp qua hệ thống ngân hàng rằng họ không thể giải cứu nhanh và buông thả bằng tiền”.

Ngọc Mai