Cuộc khủng hoảng khí hậu có thể thúc đẩy năng lượng hạt nhân?
Năng lượng hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng carbon thấp đáng tin cậy nhất hiện có, nhưng ký ức về các vụ tai nạn ở Fukushima, Chernobyl và Three Mile Island vẫn còn in đậm, làm dấy lên sự hoài nghi và sợ hãi, đồng thời ngăn cản các nhà đầu tư tài trợ cho các dự án mới.
Các nhà máy hạt nhân cũng nổi tiếng là tốn kém để xây dựng. Việc xây dựng các nhà máy hạt nhân có xu hướng vượt quá ngân sách và thời gian, trong khi năng lượng gió và mặt trời thường rẻ hơn. Làm thế nào để lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ mà nó tạo ra là một vấn đề đau đầu khác.
Đức bắt đầu ngừng ngành công nghiệp hạt nhân của mình sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, khi một trận động đất và sóng thần gây ra sự cố vỡ ba lò phản ứng trong một trong những sự cố hạt nhân tồi tệ nhất mọi thời đại. Tất cả sáu lò phản ứng vẫn đang hoạt động ở Đức sẽ phải đóng cửa vào cuối năm sau.
Tuy nhiên, quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu đang khuyến khích các chính phủ và nhà đầu tư khác nhìn lại ngành công nghiệp hạt nhân.
Năng lượng hạt nhân hiện chiếm khoảng 10% sản lượng điện của thế giới. Ở một số quốc gia, tỷ lệ này thậm chí còn lớn hơn. Mỹ và Anh tạo ra khoảng 20% điện năng từ năng lượng hạt nhân. Ở Pháp, con số này là 70%, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Thế giới hiện đang ở ngã ba đường của hạt nhân: Nó có thể mở rộng quy mô hạt nhân như một nguồn năng lượng mạnh mẽ để giảm lượng khí thải, hoặc ném tất cả tiền của mình vào năng lượng tái tạo, loại năng lượng này được xây dựng nhanh hơn và sinh lời nhiều hơn – nhưng đôi khi chỉ là chắp vá.
Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân nhấn mạnh rằng năng lượng hạt nhân hoạt động ngay cả khi mặt trời không chiếu sáng và gió không thổi.
James Hansen, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia, cho biết: “Chúng ta cần năng lượng tái tạo được bổ sung bởi một nguồn năng lượng 24/7 đáng tin cậy”.
Chính phủ Anh đồng ý với điều này. Họ đang hỗ trợ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước trong hơn hai thập kỷ ở Tây Nam nước Anh. Trong khi đó, gói cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden bao gồm 6 tỷ USD tài trợ để duy trì hoạt động của các nhà máy cũ. Và Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã thông báo rằng Pháp sẽ bắt đầu xây dựng các nhà máy mới lần đầu tiên sau gần 20 năm.
Điều đó khiến Pháp và Đức mâu thuẫn với nhau trước quyết định quan trọng của Liên minh châu Âu về việc phân loại hạt nhân là năng lượng “xanh” hay “chuyển tiếp” trong danh sách các nguồn năng lượng bền vững gây tranh cãi sẽ được công bố hôm thứ Tư. Kết quả có thể mở ra một làn sóng tài trợ mới, hoặc bỏ mặc ngành hạt nhân.
Trong khi năng lượng hạt nhân không phát thải khí carbon, nhưng lượng urani cần thiết để tạo ra nó cần phải được khai thác và quá trình đó thải ra khí nhà kính. Tuy nhiên, một phân tích của Ủy ban Châu Âu kết luận rằng lượng khí thải từ hạt nhân tương đương với năng lượng gió và ít hơn năng lượng mặt trời khi tính đến toàn bộ chu kỳ sản xuất.
Nguyệt Anh