Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp điện ngày càng tăng ở Trung Quốc đang gây ra tình trạng mất điện cho các hộ gia đình và buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đe dọa làm chậm nền kinh tế rộng lớn của đất nước và gây căng thẳng hơn nữa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các phương tiện truyền thông nhà nước đã đưa tin các công ty ở các vùng trung tâm công nghiệp của đất nước đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu điện năng. Và nguồn cung đã bị cắt giảm đối với một số ngôi nhà, thậm chí còn khiến nhiều người kẹt trong thang máy.
Theo Thời báo Hoàn cầu, một đợt cắt điện “bất ngờ và chưa từng có” đã xảy ra ở ba tỉnh đông bắc hôm thứ Hai. Tờ báo hôm thứ Ba đưa tin rằng tình trạng cắt điện luân phiên ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh đã “dẫn đến những gián đoạn lớn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và hoạt động kinh doanh”.
Tình trạng thiếu điện cũng ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Đông, một trung tâm công nghiệp và vận tải biển lớn. Các quan chức địa phương cho biết hôm thứ Hai rằng nhiều công ty đang cố gắng giảm nhu cầu bằng cách làm việc hai hoặc ba ngày mỗi tuần. Tổng công ty Lưới điện Nhà nước của Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết họ sẽ “dốc toàn lực để giải quyết vấn đề cung cấp điện”, nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự vào tháng 6, nhưng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.
Các ngành công nghiệp của nước này đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ giá năng lượng tăng cao và do kế hoạch loại trừ carbon của Bắc Kinh.
Quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới đang cố gắng đáp ứng cam kết rằng lượng khí thải carbon của họ sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Điều đó đòi hỏi các tỉnh của họ phải sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn cho mỗi đơn vị sản lượng kinh tế, chẳng hạn bằng cách đốt ít than hơn để tạo ra điện. Đồng thời, nhu cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu nổi lên sau đại dịch. Kết quả là Trung Quốc không cung cấp đủ điện năng cần thiết.
Pegatron – một công ty Đài Loan sản xuất linh kiện và lắp ráp iPhone cho Apple – cho biết hôm thứ Ba rằng họ đang hợp tác với “các chính sách của chính phủ [Trung Quốc] địa phương” để “kích hoạt các cơ chế tiết kiệm năng lượng và giảm sản lượng”.
Pegatron có một nhà máy lớn ở thành phố Côn Sơn, miền đông Trung Quốc, nơi truyền thông Đài Loan đưa tin rằng chính quyền đang hạn chế cung cấp điện. Theo Dale Gai, giám đốc tại Counterpoint Research, việc cắt điện luân phiêncó thể tạo ra những cơn đau đầu mới cho chuỗi cung ứng công nghệ, mặc dù có thể không nghiêm trọng bằng sự thiếu hụt chip máy tính trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, máy giặt đến các thiết bị điện tử khác.
Quốc Toàn