Cuộc chiến toàn cầu giữa Big Tech và các cơ quan quản lý

Rủi ro đối với cổ phiếu công nghệ do các quy định gia tăng không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, rõ ràng là các rủi ro đó đang tăng lên. Một ủy ban của Hạ viện Mỹ vừa tiến hành các dự luật sâu rộng nhằm kiềm chế các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook. Trong khi đó, các nhà chức trách ở Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã công bố các cuộc điều tra chống độc quyền mới đối với Apple và Google trong tháng này, và Ấn Độ đang gia tăng áp lực với các công ty đó.
Sức ép này xuất hiện khi luật chống độc quyền hiện hành của Mỹ cũng đang được thử nghiệm chống lại một số công ty lớn nhất trong các cuộc tranh cãi tại tòa án đang diễn ra.
Các công ty công nghệ đang vận động hành lang mạnh mẽ để chống lại luật của Mỹ – điều có thể làm thay đổi đáng kể hoạt động kinh doanh của họ nếu được ban hành. Cuối cùng, Amazon có thể buộc phải lựa chọn giữa việc vận hành một thị trường cho người bán bên thứ ba hoặc quay trở lại những ngày mà họ là nhà bán lẻ duy nhất trên nền tảng của mình. Google có thể phải đối mặt với lệnh tòa để bán YouTube hoặc các phần hoạt động quảng cáo của nó. Và Apple có thể buộc phải thay đổi các chính sách của mình đối với các nhà phát triển ứng dụng.
Tổng thống Joe Biden gần đây đã đề cử Lina Khan, một nhà chỉ trích Big Tech, để lãnh đạo Ủy ban Thương mại Liên bang, cơ quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi luật mới, nếu được thông qua. Nhưng Mỹ không phải là nơi duy nhất mà các công ty này phải đối mặt với áp lực. Cơ quan quản lý chống độc quyền của Anh gần đây cho biết họ đang điều tra sự thống trị của Apple và Google trong các hệ điều hành di động, cửa hàng ứng dụng và trình duyệt web. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo rộng lớn của Google. Đầu tháng 6, cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp đã phạt Google 220 triệu euro (263 triệu USD) “vì lạm dụng vị trí thống lĩnh” trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Thung lũng Silicon cũng đang sa lầy vào các cuộc chiến pháp lý ở Ấn Độ. Sau một thời gian dài trì hoãn việc phê duyệt hệ thống thanh toán của mình trong nước, WhatsApp của Facebook hiện đang kiện chính phủ Ấn Độ về các quy tắc mới yêu cầu họ phá vỡ mã hóa.
Cho đến nay, các nhà đầu tư đã thừa nhận rằng hành động pháp lý có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu của Big Tech, nhưng mối quan tâm của họ không hoàn toàn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Facebook đạt mức cao nhất vào thứ Tư. Điều đó cho thấy, trong môi trường hiện tại, Facebook khó có thể thâu tóm được các đối thủ nhỏ hơn như đã từng làm với Instagram vào năm 2012. Và quy định là một cơn gió ngược vào thời điểm khi một số nhà đầu tư đang chuyển tiền khỏi cổ phiếu công nghệ và chuyển sang cổ phiếu mà họ cho là bị định giá thấp vì đại dịch.
Quang Tùng