Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam thực sự được gì?
Cho dù hai bên có nối lại đàm phán trong tháng 10 này hay không thì kết quả cũng sẽ khó có sự thay đổi mang tính bước ngoặt và “những nền kinh tế thứ ba” như Việt Nam sẽ cần chuẩn bị đầy đủ cho trạng thái bình thường mới này trong quan hệ kinh tế Mỹ – Trung.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục leo thang sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế bổ sung từ 5-10% đối với 75 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu của Mỹ hôm 23/8. Chỉ vài tiếng sau tuyên bố này của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế bổ sung 5% đối với tổng cộng gần 550 tỉ đô la Mỹ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc (bao gồm nhóm 250 tỉ đô la Mỹ đã bị áp thuế trước đây và nhóm gần 300 tỉ đô la Mỹ bị áp thuế vào ngày 1/9 và 15/12). Tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Pháp hôm 26/8, ông Trump còn tuyên bố cảm thấy tiếc vì đã không áp dụng mức thuế cao hơn.
Các mặt hàng chịu thuế trong nhóm gần 300 tỉ đô la Mỹ
Trong danh sách thuế quan bổ sung mà Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cung cấp, những hàng hóa chịu thuế 15% (bao gồm 5% thuế bổ sung nói trên) từ ngày 1/9 được gọi là danh sách 4A và chịu thuế 15% từ15/12 gọi là danh sách 4B. Danh sách 4A và 4B gồm bảy nhóm hàng hóa quan trọng.
Căn cứ theo phân loại và danh sách 4A, 4B có thể thấy hàng tiêu dùng của Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực. Cụ thể, tỷ trọng các hàng hóa tiếp tục bị áp thuế trong tổng hàng nhập khẩu cùng loại từ Trung Quốc như sau: nhựa (43% – tức là số hàng nhựa nằm trong nhóm gần 300 tỉ đô la Mỹ bị áp thuế lần này chiếm 43% tổng mặt hàng cùng loại Trung Quốc xuất sang Mỹ – trong lần đánh thuế với nhóm 250 tỉ đô la Mỹ trước đây, 57% hàng nhựa đã bị đánh thuế); quần áo (73%); giày dép (67%); máy móc và thiết bị phụ tùng (44%); đồ điện (62%); điện thoại di động và phụ kiện, thiết bị (88%); đồ chơi, game (84%).
Đây sẽ là cơ hội lớn với các nước thứ ba để tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ thay thế cho hàng Trung Quốc. Đặc biệt, với quần áo và giày dép thì 84% sản phẩm quần áo sẽ chịu thuế ngay từ ngày 1/9 trong khi 50% giày dép chịu điều tương tự.
Đây vừa là cơ hội đối với các nước xuất khẩu thứ ba, vừa là rủi ro khi hàng Trung Quốc sẽ tìm cách “đội lốt” bằng cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp.
Thương chiến Mỹ – Trung: doanh nghiệp FDI đắc lợi
Quan sát tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam sáu tháng đầu năm 2019, có thể thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ – Trung. Trong nhiều nhóm hàng mà hàng Việt Nam có ưu thế (như quần áo, đồ gỗ), doanh nghiệp FDI đang lấn sân và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.
Một nghiên cứu của Fiin Group, trong thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu quần áo sang Mỹ, trong khi doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan chiếm 12%, doanh nghiệp FDI Trung Quốc chiếm 13% và doanh nghiệp FDI Hàn Quốc chiếm tới 49% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đối với ngành gỗ – một trong những ngành được dự báo từ sớm là hưởng lợi nhờ thương chiến – trong sáu tháng đầu năm 2019, trong tổng số 44 dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo với tỷ trọng xấp xỉ 66% (29 dự án), chủ yếu là các dự án sản xuất gỗ dăm, gỗ dán.
Số liệu cũng ghi nhận trong bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Mỹ của Việt Nam đã đạt 3,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tìm cách đầu tư qua Việt Nam để tranh thủ tránh thuế.
Với những nhóm ngành doanh nghiệp FDI có thế mạnh thì thương chiến càng trở thành cơ hội tốt để các doanh nghiệp này xuất khẩu sang Mỹ. Tính toán theo số liệu năm tháng đầu năm 2019 cho thấy máy móc và thiết bị phụ tùng tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ 59%, máy vi tính và sản phẩm điện tử tăng 72%, điện thoại di động và linh kiện tăng tới 92%.
Những bất lợi với nền kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh doanh nghiệp FDI hưởng lợi lớn, áp lực đối với các khía cạnh còn lại của nền kinh tế càng trở nên rõ rệt.
Thứ nhất là vấn đề tỷ giá. Đây là chủ đề thường xuyên có tranh luận giữa các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam. Trong bối cảnh nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá gần 3% trong vòng một tháng qua, gần 20 ngân hàng trung ương các nước đã chủ động giảm lãi suất để tỷ giá phản ứng linh hoạt hơn.
Trong khi đó, do nguồn cung đô la Mỹ tăng nhờ thặng dư thương mại, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam, tiền đồng tăng giá 0,06% (trong sáu tháng đầu năm). Điều này gây khó khăn lớn và tức thì đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Khả năng tiền đồng yếu đi không thực sự khả thi trong thời gian trước mắt khi Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua vào đô la Mỹ để ổn định tỷ giá và có cuộc làm việc với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 9/2019.
Thứ hai là bài toán xuất xứ hàng hóa. Thương chiến có một tác động tiêu cực mà ít người chú ý: nó làm suy giảm hiệu ứng hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Lợi thế về thuế suất ưu đãi khi ký FTA (mà việc ký kết đánh đổi bằng nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài) chỉ phát huy khi doanh nghiệp có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hợp lệ. Nhưng việc hàng hóa Trung Quốc gian lận xuất xứ là hàng Việt Nam đã khiến các “bên quản lý thị trường của Mỹ” xem nhẹ giá trị của các C/O và cảnh giác hơn với hàng Việt Nam.
Nếu không có biện pháp xử lý tốt, các thị trường khác như châu Âu hoặc Nhật Bản cũng sẽ có cách tiếp cận khác với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Thứ ba là chiến thuật “chỉ xuất, không nhập” của Trung Quốc. Đây là chiến thuật điển hình của Trung Quốc khi có khó khăn. Nước này sẽ thúc đẩy xuất khẩu bằng mọi cách đồng thời giảm hoặc ngừng nhập khẩu. Điều này gây khó khăn cho nhiều quốc gia đang tìm cách mở rộng thị trường.
Xuất khẩu hàng điện tử, điện thoại di động và linh kiện của Việt Nam… sang Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm 2019 giảm tới 65%. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc bảy tháng đầu năm 2019 cũng giảm 0,69%.
Việt Nam thực sự được gì từ thương chiến?
Để kiểm định tác động của thuế quan bổ sung lên hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ, cần sử dụng đồng thời cả ba điều kiện tham chiếu: (1) mức thuế bổ sung mà Mỹ áp dụng, (2) thị phần hàng xuất khẩu Trung Quốc trong thị trường Mỹ và (3) thị phần hàng xuất khẩu cùng loại của Việt Nam ở thị trường Mỹ.
Kiểm nghiệm với các nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hóa chất và nhựa, gỗ giấy, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử cho thấy hàng xuất khẩu Việt Nam bị hạn chế bởi thị phần quá nhỏ và không có thế mạnh ở các sản phẩm mà Trung Quốc bị áp thuế. Vì thế, doanh nghiệp trong nước của Việt Nam hầu như chỉ tận dụng lợi thế rất hạn chế của các mức thuế quan áp bổ sung lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Vì vậy, nếu hỏi Việt Nam được gì từ thương chiến, câu trả lời sẽ là cơ hội để hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý.
Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa. Tiếp theo, nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 dù ban hành chậm nhưng vẫn là một bước đi cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là một cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình. Việt Nam không có lợi thế như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, nhưng vẫn cần nhìn nhận thương chiến như thời cơ chiến lược để có một diện mạo công nghiệp chất lượng tốt hơn. Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, thương chiến là cơ hội để Việt Nam cải thiện cơ cấu thương mại với Mỹ theo hướng cân bằng hơn.
Để tranh thủ một số lợi ích từ thương chiến, Việt Nam có thể tập trung vào một vài nhóm giải pháp trước mắt. Đầu tiên, cần tăng cường thông tin cho các hiệp hội về thương chiến để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp hiệp hội có các thông tin từ chuyên gia để có cách truyền thông hiệu quả đến nội bộ qua đó bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như ngành hàng.
Tiếp theo, cần nhận thức và thay đổi chiến lược thu hút FDI thay vì ưu đãi thái quá như hiện nay. Chiến lược mở cửa đã dẫn đến mô hình kinh tế dị dạng với doanh nghiệp bản địa yếu và bị gạt ra bên lề phát triển. Khi tốc độ tăng trưởng dân số cũng đã xuống rất thấp (1%), khi công nghiệp hóa 4.0 phát triển nhanh chóng thì tỷ lệ việc làm mới mỗi năm không cần phải có nhiều nữa. Chính phủ và địa phương không cần thu hút FDI chỉ để giải quyết việc làm
TS. Phạm Sỹ Thành