Cung cấp dịch vụ công: phải chọn doanh nghiệp tốt nhất chứ không phải “quen biết” nhất
“Quá trình giao việc cho doanh nghiệp tư nhân không phải là sự chọn lựa chủ quan của một vài lãnh đạo mà phải có quy trình để chọn những người tốt nhất chứ không phải là ‘thân quen’ nhất’, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.
Bên lề Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” diễn ra vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng: Việc xã hội hoá dịch vụ công có ý nghĩa rất quan trọng cả về trực tiếp và gián tiếp.
Nếu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công có chất lượng tốt, có giá thành, công nghệ tốt thì chắc chắn người sử dụng trong đó có doanh nghiệp được hưởng lợi mà nhà nước vẫn đảm bảo năng lực quản lý. Điều này sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chính vì vậy, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân đối với lĩnh vực dịch vụ công không chỉ có ý nghĩa thực hiện chính sách của nhà nước mà có còn có tác động lan toả. Mức độ lan toả của dịch vụ công lớn hơn rất nhiều so với các loại hàng hoá, dịch vụ khác.
Lấy dẫn chứng về vấn đề này, ông Tuấn chỉ ra, đối với lĩnh vực công chứng khi mà lĩnh vực tư pháp tưởng chừng độc quyền của nhà nước nhưng khi cho các đơn vị tư nhân tham gia thì nó mang lại sự thuận tiện cho người dân, thúc đẩy các giao dịch kinh tế.
“Ngoài tác động mang lại sự thuận tiện cho người dân, việc xã hội hoá dịch vụ công còn phá vỡ sự trì trệ và độc quyền của rất nhiều dịch vụ công, bởi nhiều dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp chất lượng không cao do nguồn lực, mức độ chuyên nghiệp, trình độ quản lý còn hạn chế”, ông Tuấn đánh giá.
Và đặc biệt, cần tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ. “Hiện nay, có tình trạng nhà nước vừa là người đặt ra quy định, đặt ra tiêu chuẩn nhưng nhà nước cũng là người cung cấp và thậm chí là đơn vị giám sát, đánh giá chất lượng”, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chỉ ra.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, xã hội hoá dịch vụ công không có nghĩa là trao toàn bộ cho khu vực bên ngoài mà nhà nước phải tạo ra luật chơi, giám sát việc thực hiện tránh tình trạng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân, tránh tình trạng doanh nghiệp sân sau, lừa đảo…
Đặc biệt phải tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, có sự giám sát giữa các bên, của người dân, các tổ chức hiệp hội, đối tác…
“Quá trình giao cho các doanh nghiệp tư nhân cũng không phải là sự chọn lựa chủ quan của một vài công chức, lãnh đạo mà phải có quy trình để chọn những người tốt nhất, bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất chứ không phải là cho những người “quen biết” nhất. Vì vậy, phải có một quy trình minh bạch, công khai, có sự giám sát của nhiều bên”, ông Tuấn cho hay.
Tuấn Việt