Cửa sáng cho ngành đường từ Quyết định số 477/QĐ-BCT của Bộ Công Thương

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Đây được xem như “cứu cánh” cho ngành đường nội địa sau nhiều năm ngấm đòn bởi tình trạng nhập lậu đường qua biên giới

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, không chỉ đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ cam kết mở cửa thị trường, ngành đường Việt Nam còn phải hứng chịu thêm “cú đấm bồi” với tổn thất nặng nề hơn bởi Thái Lan – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất vào Việt Nam, liên tục triển khai các biện pháp bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy đường nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan năm 2020, giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện chỉ có 334 USD/tấn, rẻ chỉ bằng 40% giá đường nội địa ở nước họ (755UUSD/tấn). Để bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía và hỗ trợ ngành đường, mỗi năm Chính phủ nước này còn hỗ trợ cho ngành đường ít nhất 1,3 tỉ USD, bao gồm trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường. Ngày 21/4/2020, từ đề xuất của Bộ Công nghiệp Thái Lan, Chính phủ Thái Lan tiếp tục bơm thêm 325 triệu USD trợ cấp và quy định giá trần là 23,5 Bath/kg (tương đương 17.695 đồng/kg, khoảng 755 USD/tấn) trên thị trường nội địa.

Tương tự Thái Lan, các quốc gia Philippines, Indonesia…dù hội nhập ATIGA vẫn áp dụng các biện pháp quản lý không chính thống để bảo vệ ngành mía đường nội địa (Chính phủ trợ giá, chỉ cho phép nhập đường tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước hoặc đường nhập khẩu chỉ được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía). Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng rất cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO để bảo vệ ngành mía đường trong nước cũng như sinh kế của người nông dân trồng mía.

Với Quyết định số 477/QĐ-BCT vừa được Bộ Công Thương ban hành, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu từ Thái Lan có thể giúp tháo gỡ những khó khăn của ngành đường trong nước; cân bằng lợi ích giữa các bên (doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nông dân trồng mía); đồng thời thúc đẩy sự phát triển dài hạn của ngành từ việc ổn định vùng trồng, đảm bảo nguyên liệu chất lượng và vận dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà máy. Thực tế cho thấy, việc áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã phần nào giúp thị trường cân bằng trở lại. Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan trong năm 2020 xấp xỉ 1,3 triệu tấn, nghĩa là trung bình mỗi tháng ở ngưỡng hơn 100.000 tấn… Con số này đã giảm đến mức đáng kể sau khi các biện pháp bảo hộ chính thức có hiệu lực, từ ngày 15/2 đến 2/3/2021 lượng đường nhập từ Thái Lan chỉ còn 25.000 tấn.

Đối với bản thân các doanh nghiệp mía đường, Quyết định số 477/QĐ-BCT ví như một sự trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp đặt trong bối cảnh ngành đường đang có rất nhiều thuận lợi từ thị trường: sự sụt giảm về sản lượng đường ở các thị trường lân cận; sự tăng cường nhập khẩu đường của Trung Quốc; triển vọng xuất khẩu sang EU nhờ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA…

Tuy nhiên, để nắm bắt và khai thác tốt các cơ hội có được, doanh nghiệp mía đường trong nước phải giải được bài toán thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu sản xuất; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu vùng trồng, đồng hành cùng nông dân để khôi phục, phát triển vùng nguyên liệu năng suất cao trong dài hạn. Việc áp thuế chống bán phá giá thấp hơn cho đường thô đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hoạt động sản xuất đường trong nước trong tình thế trước mắt. Thậm chí, mức thuế với đường thô nên ở mức thấp hơn để các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên xuất đường thô vào Việt Nam, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định, từ đó đảm bảo việc làm cho nhân công, tăng nguồn thu từ các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,… trong bối cảnh vùng nguyên liệu chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất đường trong nước như hiện nay.

Việt Trung