CPTPP: Nhiều cơ hội nhưng phải hiểu luật chơi để tránh rủi ro
Các chuyên gia tại hội thảo bàn về cơ hội xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực hiện CPTPP sáng ngày 18.4, khuyến cáo rằng CPTPP mang lại cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giao kết hợp đồng kinh doanh quốc tế.
Dệt may là một trong những ngành hưởng lợi từ CPTPP.
Trong 11 thị trường thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam hiện đã ký kết FTA song phương với bảy quốc gia. Trong đó có tới 4 thị trường gồm Malaysia, Úc, Nhật và Singapore có kim ngạch thương mại song phương 2018 ở mức cao, đạt gần 7 tỉ USD.
Chia sẻ tại hội thảo về xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HM (ITPC) tổ chức sáng nay, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc ITPC, chỉ ra nhiều ngành hàng được hưởng lợi lớn nhờ ưu đãi thuế theo CPTPP như da giày, dệt may, thủy sản, chế biến thực phẩm và hầu hết các mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu da giày vẫn tăng trưởng đều qua các năm mặc dù gặp phải sự bảo hộ cao. Ông Hòa nhận định CPTPP tiếp tục giảm chênh lệch mức thuế suất giữa hai thị trường xuống thấp hơn mức ưu đãi thông thường (MFN). Điều này sẽ giúp lượng xuất khẩu mặt hàng da giày có cơ hội tăng mạnh hơn nữa.
Đối với ngành thủy sản, là cơ hội để Việt Nam thâm nhập thị trường mới và mở rộng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống. Nhiều mặt hàng được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, hoặc thị trường khó tính như Nhật Bản cũng xóa bỏ thuế cho nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Hầu hết các nông sản như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều được hưởng 0% thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Ông Hòa nhấn mạnh rằng Canada là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng nhất đối với Việt Nam sau khi gia nhập CPTPP. Từ trước khi hiệp định CPTPP có hiệu lực dù chưa ký kết FTA song phương, Canada luôn là thị trường xuất siêu của Việt Nam. Với ưu đãi thuế từ CPTPP, Việt Nam càng được đà gia tăng xuất khẩu sang Canada.
Canada cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may; da giày; thủy sản; máy tính linh kiện điện tử; linh kiện vận tải và phụ tùng. Đặc biệt cắt giảm 100% thuế đối với hàng da giày và gạo.
Tuy nhiên ông Hòa cũng nhận định nhiều thách thức doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, nhiều ngành sẽ gặp khó khăn như nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp nặng, ngành thép và ngành logistics. Đặc biệt ngành logistic hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, bị phụ thuộc vào các công ty vận tải lớn nước ngoài, vì thế bị chi phối về giá thành.
Ông nhận định thách thức cho ngành nông nghiệp do chưa có sự đột phá về giống cũng như công nghệ trồng trọt, phương pháp bảo quản và công nghệ sau thu hoạch còn yếu. Ngành chế biến sâu chưa được đầu tư, đặc biệt, chúng ta chưa có nhiều thương hiệu mạnh và thiếu chỉ dẫn địa lý đặc sản vùng miền.
Trong khi ở ngành công nghiệp nặng, Việt Nam chủ yếu gia công lắp ráp, nếu muốn cạnh tranh được đòi hỏi sự liên kết, liên doanh với các công ty nước ngoài để học hỏi, chuyển giao công nghệ.
Ông Hòa cũng cho rằng ngành thép chịu sức ép thay đổi lớn trong xu hướng bảo vệ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng, phải đảm bảo người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm, lương bổng và bảo hộ đầy đủ. “Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo môi trường không bị phá hoại bởi sự phát triển của ngành thép.” ông Hòa lưu ý.
Những ưu đãi về thuế suất sẽ giúp thúc đẩy dung lượng thị trường lớn hơn, tuy nhiên cơ hội đến cũng kéo theo việc doanh nghiệp gia tăng giao thương quốc tế, thử thách về khác biệt luật pháp, tập quán kinh doanh… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cẩn trọng trong đàm phán, thiết lập hợp đồng, hạn chế tối đa các rủi ro về pháp lý và tìm phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.
Luật sư Trần Xuân Chi Anh – công ty Luật TNHH Rajah&Tann LCT cảnh báo về các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài. Cụ thể như trong việc giải quyết tranh chấp, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về trọng tài quốc tế, về cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế…
Bà Chi Anh khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về cách chọn luật áp dụng (trong trường hợp cho phép chọn luật Việt Nam và các trường hợp ngoại lệ, loại trừ); cách dẫn chiếu điều khoản chung, hiệu lực của hợp đồng giao kết (người ký phải có đúng thẩm quyền, hình thức giao kết phải bằng văn bản, chủ thể phải có tư cách pháp nhận…) và phải thiết lập quy trình kiểm soát thực hiện hợp đồng/kiểm soát thanh toán một cách chặt chẽ nhằm tránh các rủi ro tiềm ẩn trong giao thương.
Để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, doanh nghiệp được khuyến cáo hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh gây tổn thất, thiệt hại cho mình.
Theo luật sư Lê Nết – thành viên công ty Luật LNT&Partners cũng cảnh báo doanh nghiệp về hệ quả của việc chưa am hiểu kỹ pháp luật nước ngoài, thiếu bộ phận pháp lý hỗ trợ và muốn tiết kiệm thời gian nghiên cứu. Dẫn đến việc hợp đồng với đối tác không phù hợp năng lực của doanh nghiệp, không thực tiễn và các điều khoản lỏng lẻo hoặc bất hợp lý.
Ông cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chặt chẽ trong khâu soạn thảo hợp đồng nhằm hạn chế rủi ro ngay từ giai đoạn đàm phán, chủ động thỏa thuận với đối tác như một cách thức phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra.
Khánh Hòa