COVID-19: Thị trường chứng khoán thiệt hại nặng nề nhất từ năm 1987

Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng nhất trong ba tháng đầu năm trong bối cảnh xảy ra một đợt bán tháo lớn do COVID-19.

Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng nhất trong ba tháng đầu năm trong bối cảnh xảy ra một đợt bán tháo lớn do COVID-19.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones và FTSE 100 của London chứng kiến ​​mức giảm theo quý lớn nhất kể từ năm 1987, giảm lần lượt 23% và 25%. Chỉ số S&P 500 giảm 20% trong quý, mức tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Đợt sụt giảm xảy ra trong lúc các nhà chức trách ra lệnh dừng hầu hết các hoạt động trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus.

Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo cú sốc với nền kinh tế toàn cầu lần này dường như tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính. Công ty IHS Markit dự đoán tăng trưởng sẽ giảm 2,8% trong năm nay, so với mức giảm 1,7% trong năm 2009.

Hiện không có quốc gia nào không bị ảnh hưởng. IHS Markit dự kiến ​​tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 2%, trong khi tăng trưởng của Anh giảm 4,5%. Triển vọng cho các quốc gia như Italy và các nền kinh tế kém phát triển thậm chí còn tồi tệ hơn.

Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nói: “Chúng tôi vẫn rất quan ngại về triển vọng tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 và đặc biệt về những tác động xấu với các thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp”.

Tại Mỹ, một phân tích của ngân hàng trung ương cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên hơn 32% trong ba tháng tới, bởi hơn 47 triệu người mất việc.

Trên toàn cầu, nhiều chỉ số vẫn thấp hơn 20% so với đầu năm. Giá dầu giảm mạnh, do nhu cầu giảm và cuộc chiến giá dầu giữa các nhà sản xuất, đã gây ra nhiều vấn đề trên thị trường tài chính.

Chính phủ đã cam kết các quỹ cứu trợ lớn, giúp nâng giá cổ phiếu trong những ngày gần đây.

Ngày 31/3, FTSE đã tăng gần 2%, trong khi Dax của Đức và CAC 40 của Pháp có mức tăng khiêm tốn hơn.

Tuy nhiên, các chỉ số chính của Mỹ lại sụt giảm, với chỉ số Dow giảm 1,8%, S&P 500 giảm 1,6% và Nasdaq giảm gần 1%.

Các công ty năng lượng và tài chính là một trong các công ty có kết quả hoạt động tồi tệ nhất trong quý. Các nhà bán lẻ – vốn đang chứng kiến ​​doanh số bốc hơi khi các cửa hàng đóng cửa – hứng chịu tổn thất lớn nhất trong ngày 31/3. Công ty Macy có doanh thu giảm gần 9% mỗi ngày sau khi cho biết họ sẽ cho phần lớn nhân viên của mình nghỉ phép không lương.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng US Bank Wealth Management viết: “Mặc dù có các gói kích thích tiền tệ và tài chính, nhưng chúng tôi dự đoán sự biến động của cổ phiếu sẽ vẫn gia tăng trong lúc tác động của COVID-19 vẫn kéo dài, giá dầu vẫn tiếp tục giảm và tiềm năng thu nhập vẫn u ám”.

Bích Hạnh