COVID-19 là cuộc chiến cam go của nhân loại
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) gây ra đang khiến cả thế giới lo sợ vì sự lây lan nhanh chóng và khủng khiếp, thời gian ủ bệnh lâu, số lượng các ca tử vong ngày càng tăng và đáng lo nhất là chưa thể tìm ra thuốc chữa hoàn toàn.
Trong lịch sử thế giới hiện đại, con người đã phải chịu đựng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đáng sợ và cướp đi sinh mạng rất nhiều người như dịch cúm Tây Ban Nha (1918), cúm châu Á (1957), HIV, Ebola, Zika… Nhiều căn bệnh đến nay vẫn chưa tìm ra được phương pháp chữa trị triệt để. Những căn bệnh này đều đem lại nỗi sợ hãi cho loài người.
Trong hơn hai tháng qua, loài người một lần nữa phải đối mặt với một dịch bệnh khủng khiếp khác mang tên COVID-19, khiến hơn 45.000 người nhiễm bệnh và hơn 1.100 người tử vong trên toàn thế giới.
Nguồn gốc của COVID-19
Nguyên nhân gây ra dịch COVID-19 là một chủng virus mới thuộc họ corona. Sở dĩ chúng được đặt tên như vậy vì bề mặt của virus có các gai glycoprotein giống hình vương miện. Virus corona lây nhiễm trên dơi, lợn và động vật có vú nhỏ. Chúng dễ dàng bị đột biến và có thể lây nhiễm từ động vật sang người, và từ người sang người.
Hiện tại, các nhà khoa học đã tìm ra được bảy chủng virus corona có thể lây nhiễm sang người, bao gồm cả COVID-19. Tất cả đều gây ra các bệnh liên quan tới hô hấp, trong đó, bốn chủng chỉ gây các bệnh cảm lạnh thông thường. Còn hai chủng còn lại từng gây ra dịch bệnh hô hấp nguy hiểm nhất ở người: SARS và MERS.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc của chủng COVID-19. Nghiên cứu giải trình tự hệ gene của virus cho thấy chủng virus này có độ tương đồng 96,3% với chủng virus corona từ dơi nên có khả năng cao đây là chủng virus từ dơi bị đột biến rồi xâm nhiễm sang người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết chính xác làm cách nào nó có thể lây nhiễm lên người. Các quan chức y tế tin rằng dịch bệnh bắt nguồn từ một chợ động vật và hải sản lớn ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo thông báo chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Các triệu chứng của bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, COVID-19 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, thậm chí tử vong, nhất là trường hợp có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch.
Chưa phải là đại dịch
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 nguy hiểm ở chỗ, với thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, một số báo cáo trường hợp dài nhất lên đến tận 24 ngày, người bị nhiễm virus không biết chính xác mình bị nhiễm từ bao giờ và trong khoảng thời gian đó có thể vô ý lây nhiễm sang nhiều người khác. Ngoài ra, trên thế giới đã xuất hiện một số trường hợp chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh rõ ràng nhưng vẫn dương tính với virus corona, khiến việc chẩn đoán khó khăn hơn, có thể dễ dàng dẫn đến chẩn đoán bị bỏ sót hoặc chẩn đoán sai.
Tính đến ngày 12/2, trên toàn thế giới đã có 45.171 ca nhiễm COVID-19, tử vong 1.115 trường hợp. Trong đó, Trung Quốc chiếm phần lớn với 44.635 ca nhiễm và 1.113 ca tử vong. Mỗi ngày, thế giới đón nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới và hàng chục ca tử vong. Đây là con số đáng báo động, nhất là khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã vượt trội hẳn so với dịch SARS năm 2003, vốn khiến 8.327 trường hợp mắc bệnh và 813 người chết.
Thế nhưng, truyền thông quốc tế chưa dùng tới chữ “đại dịch” (tiếng Anh là “pandemic”) để mô tả dịch COVID-19 mà dùng thuật ngữ “dịch bệnh” (“epidemic”) hoặc “sự bùng phát” (“outbreak”). Tuy rằng WHO tuyên bố đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng hầu hết chuyên gia vẫn đồng thuận rằng đó chưa phải đại dịch bởi ảnh hưởng của dịch bệnh này chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc. Ngoại trừ Nhật Bản đã có 175 trường hợp dương tính với COVID-19 và đang tăng lên, các trường hợp nhiễm COVID-19 ở các quốc gia khác chưa vượt qua con số hàng trăm. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của dịch COVID-19 chỉ là 2,45% so với con số 9,6% của dịch SARS.
Ảnh hưởng toàn cầu
Không chỉ dừng lại là một dịch bệnh đơn thuần, gây nguy hiểm tới sức khỏe con người, COVID-19 còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác trên thế giới. Theo Reuters, đại dịch SARS đã gây tổn thất kinh tế tới 40 tỷ USD cho thế giới và GDP toàn cầu cũng giảm 0,1%. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể sẽ nặng nề hơn dịch SARS, theo Giáo sư kinh tế Warwick McKibbin thuộc Đại học Quốc gia Australia, ước tính COVID-19 sẽ gây tổn thất kinh tế toàn cầu đến 160 tỷ USD.
COVID-19 được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn thế giới. Quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là Trung Quốc, tạp chí The Economist ước tính, virus corona mới có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP của nước này chỉ còn 4,9%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Không những vậy, toàn bộ châu Á, đa phần đều phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế lớn nhất khu vực trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch. Nhiều nước đã đưa ra những khuyến cáo về vấn đề đi lại đối với Trung Quốc. Một số hãng hàng không tạm ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc và ngược lại.
Còn tại Việt Nam, đánh giá sơ bộ và dự báo của Bộ KH&ĐT, dịch COVID-19 sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng. Về tăng trưởng kinh tế, cơ quan này dự kiến có hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất, nếu dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%. Với kịch bản thứ hai, nếu dịch được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Thế giới đối phó ra sao?
Vì là quốc gia khởi nguồn cũng như là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19, Trung Quốc đã làm hết sức có thể để chống lại căn bệnh này. Từ việc xây dựng hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn (Huoshenshan) và Lôi Thần Sơn (Leishenshan) ở tâm dịch Vũ Hán trong thời gian kỷ lục 8 và 10 ngày, ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế người dân ra ngoài đường, cách ly người dương tính và nghi dương tính với COVID-19… Đến nay, tình trạng các ca nhiễm mới đã giảm tại một số tỉnh và dự đoán dịch có thể đạt đỉnh trong tháng 2 này và giảm dần trong tương lai gần.
Các quốc gia khác trên thế giới cũng tuân thủ theo những khuyến cáo mà WHO đưa ra, đồng thời có những biện pháp như ngừng tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc, dừng một số các hoạt động kinh tế với Trung Quốc, khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người, hỗ trợ đưa công dân từ Vũ Hán về nước,…
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dịch bệnh do COVID-19 gây ra không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là mối đe dọa đối với toàn thế giới. Điều mấu chốt là sự đoàn kết, đặc biệt liên quan tới việc chia sẻ mẫu phẩm, chuỗi virus và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng ngừa. Để chiến thắng dịch bệnh này cần phải cởi mở và chia sẻ công bằng tuân theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc cũng như nhiều nước khác đang gấp rút phát triển vaccine nhằm ngăn chặn dịch bệnh gây ra tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu này. Giám đốc khoa học Christophe D’Enfert tại Viện Pasteur Pháp thông báo đã thành lập nhóm chuyên trách để điều chế vaccine với hy vọng thành công trong 20 tháng nữa.
Trước tình hình chưa có thuốc đặc trị hay vaccine nào có thể “đánh thắng nhanh, tiêu diệt gọn” COVID-19, những gì chúng ta cần làm bây giờ là phải tự bảo vệ bản thân, tuân theo đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mà WHO khuyến cáo, không được chủ quan trước tình hình khó lường của loài virus mới và nguy hiểm này.
Hy vọng rằng, khi thế giới đang trở nên ngày một hiện đại hơn, thì các phương pháp nghiên cứu khoa học của ngành y tế cũng sẽ phát triển nhanh hơn để sớm dập tắt dịch COVID-19, cũng như khiến cho nỗi lo về một đại dịch sẽ không bao giờ xảy ra.
Duy Dương