COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực ra sao?
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm toàn cầu và gây ra tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp trên toàn thế giới.
Chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực?
Việc người dân trên toàn thế giới hoảng loạn mua sắm để chuẩn bị cho việc phong tỏa cách ly đã quét sạch những mặt hàng thiết yếu trên các kệ siêu thị như mì ống và bột mì.
Các nhà sản xuất thịt và sữa cũng như nông dân trồng rau quả chật vật để chuyển nguồn cung từ nhà hàng sang cửa hàng tạp hóa, khiến người tiêu dùng nhầm tưởng về tình trạng thiếu hụt.
Các nhà bán lẻ và chính quyền khẳng định sẽ không có tình trạng thiếu hụt và nguồn cung của hầu hết các sản phẩm đã hoặc sẽ được bổ sung. Các công ty bánh và mì ống ở châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng sản lượng.
Các công ty thực phẩm cho biết việc mua sắm hoảng loạn đang giảm dần khi các hộ gia đình đã dự trữ và đang điều chỉnh các thói quen khi bị phong tỏa cách ly.
Tuy nhiên, việc vận chuyển thực phẩm từ cánh đồng đến tay người tiêu dùng, đang ngày càng bị ảnh hưởng và cho thấy các vấn đề dài hạn.
Trong ngắn hạn, việc thiếu vắng vận tải hàng không và xe tải chở đồ đang làm gián đoạn việc giao hàng thực phẩm tươi sống.
Về lâu dài, việc thiếu lao động đang ảnh hưởng đến trồng trọt và thu hoạch và có thể gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá đối với các thực phẩm chủ lực, gợi nhắc lại các cuộc khủng hoảng lương thực làm rung chuyển các quốc gia đang phát triển cách đây một thập kỷ.
Điều gì làm gián đoạn cung cấp thực phẩm?
Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang hạn chế tiếp nhận các máy bay và container sau cuộc khủng hoảng virus Corona bùng phát ở Trung Quốc, các chuyến hàng chở rau từ châu Phi đến châu Âu hoặc trái cây từ Nam Mỹ đến Hoa Kỳ đang bị gián đoạn.
Tình trạng thiếu lao động cũng có thể khiến cây trồng bị thối rữa trên các cánh đồng.
Những vụ mất mùa trên diện rộng đang xuất hiện ở Ấn Độ, nơi mà việc phong tỏa đã buộc hàng loạt công nhân về nhà, khiến các chợ và trang trại không có nông dân thu hoạch vụ mùa.
Thực phẩm sẽ tăng giá?
Lúa mì đã tăng trong tháng 3, lên mức cao nhất trong 2 tháng, một phần do nhu cầu về bánh mì và mì ống tăng đột biến, trong khi giá ngô giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm qua do việc sử dụng nhiên liệu sinh học rộng rãi và giá dầu sụt giảm.
Giá gạo trắng Thái Lan đã đạt mức cao nhất trong tám năm qua. Một số nước nghèo đang phải trợ cấp lương thực để giữ giá ổn định.
Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng việc các nước phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm chủ yếu có thể thúc đẩy lạm phát lương thực toàn cầu dù có trữ lượng lớn cây lương thực chủ lực.
Sản phẩm tươi như trái cây hoặc cá hoặc ngũ cốc chưa qua chế biến như gạo phản ánh những thay đổi ngay trước mắt hơn về cung và cầu.
Liệu sẽ có đủ thực phẩm nếu khủng hoảng kéo dài?
Các nhà phân tích nói rằng nguồn cung toàn cầu của các loại cây lương thực đủ đáp ứng nhu cầu. Sản lượng lúa mì dự kiến sẽ ở mức kỷ lục trong năm tới.
Tuy nhiên, việc rất ít quốc gia đang tập trung nguồn cung xuất khẩu trong khi các nhà cung cấp lớn hạn chế xuất khẩu do quan ngại về việc họ có đủ nguồn cung trong nước hay không có thể khiến nguồn cung thế giới trở nên mong manh hơn so với các số liệu cho thấy.
Một nguyên nhân khác gây căng thẳng nguồn cung lương thực toàn cầu đó là Trung Quốc: hiện có nhiều dấu hiệu nước này đang “ngốn” nhiều nguồn cung lương thực của thế giới sau khi bị ảnh hưởng từ việc phong tỏa do Covid-19 và phải gây dựng lại ngành công nghiệp thịt lợn khổng lồ sau đợt dịch tả lợn.
Tâm An