Cotton Day 2018: Cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam
Nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam những cải tiến mới nổi trội về công nghệ áp dụng cho các sản phẩm dệt may giàu bông hiện đang có mặt trên thị trường, Hiệp hội Bông Mỹ – CCI đã phối hợp cùng Hiệp hội Dệt May Việt Nam – VITAS tổ chức Cotton Day 2018 với chủ đề “What’s new in cottonTM”. Đây là lần thứ hai Cotton Day được tổ chức tại Việt Nam với qui mô lớn hơn và nhiều nội dung phong phú hơn nên thu hút sự tham gia của đông đảo của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, các chuyên gia và các nhà xuất khẩu bông đến từ Hoa Kỳ.
Sản phẩm thời trang của Việt Nam gắn nhãn hiệu Cotton USA
“What’s new in cottonTM” được chọn là chủ đề của Cotton Day 2018 nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy và tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm, công nghệ và quy trình mới để mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Những cải tiến về công nghệ được mang đến từ các đối tác toàn cầu của CCI cũng như từ những đối tác trọng điểm tại thị trường Việt Nam.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang đã giới thiệu đến đông đảo quan khách bức tranh toàn cảnh của ngành dệt may Việt Nam. Theo đó ông Giang khẳng định dệt may là một trong những ngành xuất siêu kỷ lục của Việt Nam khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017. Trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam, chiếm đến gần 40% tổng kim ngạch. Điều đặc biệt là Việt Nam cũng đã xuất ngược trở lại những thị trường vốn trước đây chỉ nhập khẩu vào Việt Nam như Trung Quốc với các mặt hàng sợi và may mặc. Dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước sẽ đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch và là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Ông Giang thông tin trong năm 2017, Việt Nam là nhà nhập khẩu bông Mỹ lớn nhất với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2018 đứng ở vị trí thứ 2. Điều này thể hiện mối quan hệ tương hỗ giữa 2 ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và bông Mỹ: Mỹ tăng cường nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng sử dụng ngày càng nhiều nguyên liệu bông Mỹ.
Bám sát chủ đề “What’s new in cottonTM”, các chuyên gia, các nhà sản xuất bông Mỹ có mặt tại Cotton Day 2018 đã phác thảo bức tranh toàn cảnh về thị trường xơ bông trên thế giới dựa trên các số liệu về năng suất sản lượng, cung cầu thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu. Các chuyên gia cho biết trong 2 năm trở lại đây nhu cầu sử dụng xơ bông nguyên liệu trên thế giới đã tăng 10% so với các năm trước. Đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng của bông Mỹ cũng như những xu hướng sản phẩm cotton mới ngày càng có hàm lượng công nghệ cao và mang tính bền vững.
Đại diện CCI cho biết với mục tiêu mang lại sự tiện lợi và thoải mái nhất cho người sử dụng, ngành bông Mỹ đã và đang tăng cường ứng dụng những công nghệ hiện đại hàng đầu để cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, tốt cho sức khoẻ con người. Theo CCI, thời gian gần đây xu hướng sử dụng cotton thay cho sợi nhân tạo đang quay trở lại và chiếm khoảng 41% tại thị trường châu Á; trong đó Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong Top các quốc gia tiêu thụ cotton nhiều nhất.
Theo : Nguyễn Cường