Công ty tài chính quốc tế của ADB cảnh báo về ‘khủng hoảng tài chính’ châu Á – Thái Bình Dương
Một quan chức cấp cao thuộc Công ty tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết hôm thứ Năm rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính gây thiệt hại lớn do các khoản nợ xấu gia tăng bởi tình trạng mất khả năng thanh toán tăng cao.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch Châu Á – Thái Bình Dương của IFC cho biết tỷ lệ phá sản dự kiến sẽ tăng 30% do khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Trong khi nhiều công ty đã được tạm ngưng hoàn trả các khoản vay của họ, nhưng nhiều ngân hàng trung ương không yêu cầu các tổ chức tài chính thường xuyên theo dõi khả năng thanh toán của các công ty này. Garcia Mora nói rằng điều này là “rất nguy hiểm”.
Ông nói: “Điều có thể xảy ra là khi ngân hàng mở sổ theo dõi của họ trong sáu tháng, hoặc 12 tháng, họ sẽ nhận ra rằng tỷ lệ nợ xấu của họ không phải là 2% mà là 20%. Đây là lý do tại sao tôi rất lo ngại về trình tự của cuộc khủng hoảng này. Chúng ta bắt đầu với một cuộc khủng hoảng y tế, điều đó rõ ràng. Chúng ta sau đó rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, và chúng ta có thể kết thúc trong một cuộc khủng hoảng tài chính”.
Garcia Mora cho biết khoảng 50% doanh nghiệp sẽ không có đủ thu nhập để trả các khoản vay của họ trong năm tới, trích dẫn phân tích của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Với một vài trường hợp ngoại lệ, Garcia Mora cho biết hệ thống tư pháp của khu vực không được chuẩn bị cho một bước nhảy vọt trong các trường hợp vỡ nợ. Ông nói rằng cũng thiếu các phương pháp đơn giản hóa để các công ty nhỏ tuyên bố phá sản và bắt đầu lại.
Tình trạng thảm khốc
Trong dự báo gần đây nhất vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ giảm 0,5% vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 1967.
Trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới ước tính có 100 triệu người rơi vào cảnh “nghèo cùng cực”, nơi họ kiếm được 1,90 USD mỗi ngày hoặc ít hơn. Garcia Mora cho biết, khoảng một nửa số người nghèo mới sẽ đến từ Châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu ở Nam Á.
Ông nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình cực kỳ nghiêm trọng khi liên quan đến tình trạng thất nghiệp của thanh niên, với 10 triệu đến 15 triệu việc làm của thanh niên được dự đoán sẽ biến mất trên khắp châu Á – Thái Bình Dương”.
Các chính phủ cần sử dụng “không gian tài khóa hạn chế” của họ để nhắm mục tiêu vào những người dễ bị tổn thương nhất; thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh; và cải cách các lĩnh vực bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả và được trợ cấp nhiều.
Ông nói: “Đây là thời điểm để mở cửa thị trường, cho phép tư nhân tham gia, cho phép tất cả những doanh nhân mới này bắt đầu tham gia vào nền kinh tế.
Nếu không có những cải cách này đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhiều người trong số những người bị mất việc làm có thể cuối cùng phải sống trong nền kinh tế phi chính thức, với ít sự bảo vệ và mức lương thấp.
IFC đã phân bổ hơn 7 tỷ USD để thúc đẩy tính thanh khoản của các doanh nghiệp trong khu vực cho năm tài chính kết thúc vào tháng 6 năm 2021, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Minh Anh