Công nghiệp chế biến, chế tạo – Động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn mới

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ đạt mức tăng trưởng cao mà còn có nhiều đóng góp quan trọng, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế. Đây cũng được đánh giá là ngành sở hữu nền tảng, tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai…

Vai trò trọng tâm của chế biến chế tạo trong mối quan hệ giữa các ngành kinh tế

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta sẽ là nước đang phát triển, có ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2020 – 2025 đạt khoảng 6,5 – 7%/năm; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Song song đó, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tỉ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Từ những mục tiêu đặt ra, có thể thấy công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng của giai đoạn tới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tránh bẫy thu nhập trung bình, và đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên để hiện thực hóa các mục tiêu này đòi hỏi trong giai đoạn 2021-2030 ngành chế biến chế tạo phải đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước do kinh tế Việt Nam nói chung – ngành công nghiệp nói riêng đang đứng trước bối cảnh hoàn toàn mới với những thách thức chưa từng có.

Xét theo cấu trúc của toàn chuỗi giá trị, có thể thấy mọi hoạt động kinh tế đều có mối quan hệ khăng khít, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo giữ vai trò trọng tâm trong mối quan hệ giữa các ngành kinh tế. Các ngành dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển của hoạt động sản xuất; dịch vụ bán buôn, bán lẻ (thường đóng góp từ 15-20% GDP) chính là hoạt động mua và bán hàng hóa do các ngành công nghiệp chế biến chế tạo sản xuất ra, và logistics, vận tải, kho bãi cũng không thể phát triển nếu không có hoạt động trao đổi hàng hoá tạo ra bởi các ngành sản xuất này. Đáng lưu ý, các ngành logistics, vận tải, kho bãi vừa là ngành dịch vụ đóng góp vào GDP nhưng đồng thời cũng là một cấu phần trong chi phí đầu vào của ngành chế biến chế tạo và thương mại hàng hoá. Nếu những ngành này hoạt động kém hiệu quả sẽ làm tăng chi phí và giảm năng suất của các ngành chế biến, chế tạo. Ngay cả với ngành y tế hay du lịch cũng đều là hoạt động sử dụng và tiêu dùng các sản phẩm của ngành sản xuất chế biến chế tạo như: thiết bị y tế, thuốc, dược phẩm trong y tế, và các sản phẩm tiêu dùng trong khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch. Tài chính, một ngành dịch vụ mà nhiều người cho rằng không liên quan đến sản xuất, bởi hoạt động của ngành này là luân chuyển các nguồn lực dư thừa của khu vực phi tài chính trong nền kinh tế, nhưng đối tượng để phục vụ của các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các ngành dịch vụ chuyên môn (như tư vấn, nghiên cứu triển khai, giáo dục đào tạo…) phần lớn lại là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, ngành công nghiệp chế biến chế tạo càng phát triển thì nhu cầu về vốn vay, bảo hiểm, về trình độ lao động, nghiên cứu càng lớn và ngược lại.

Tóm lại sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của khu vực sản xuất. Thương chiến Mỹ – Trung cùng với đại dịch Covid-19 xảy ra gần đây càng cho thấy rõ tầm quan trọng của nền sản xuất tự cường và chuỗi giá trị với sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất. Đối với Việt Nam, đại dịch đi kèm với sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khan hiếm nguồn cung đặt ra yêu cầu phải hình thành được chuỗi cung ứng trong nước, với nguồn cung trong nước đủ sức chống chịu, thay thế một phần nguồn cung từ bên ngoài trong trường hợp xảy ra những cú sốc như đại dịch vừa qua, nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá mức vào nguồn cung từ bên ngoài. Mặt khác, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đặt ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi mới hình thành của các tập đoàn đa quốc gia. Đây cũng là thời điểm để các quốc gia trên thế giới định hình lại hệ thống kinh tế của mình trong tương lai, để chúng không chỉ đạt được hiệu quả mà còn phải đảm bảo tính bền vững về môi trường và sự thịnh vượng chung.

Hướng đến một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn mạnh và bền vững

Với việc tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RECP…), Việt Nam được xem là một trong những nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Các FTA không chỉ giúp Việt Nam mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI mà đây còn là cơ hội để đất nước hình chữ S gia tăng quy mô nền kinh tế, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trên cơ sở học tập, tiếp thu các kỹ năng từ bên ngoài cũng như từ các FDI. Độ mở nền kinh tế lớn giúp hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt so với các đối thủ khác song đây cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Chưa kể việc tham gia nhiều FTA cũng đi kèm với nguy cơ biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ cho các đối tác FTA nếu các doanh nghiệp trong nước không trưởng thành để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường trong nước.

 Trong bối cảnh đó, việc phát triển một chuỗi cung ứng trong nước hoàn chỉnh, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tạo ra giá trị gia tăng trong nước cao hơn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung – các doanh nghiệp trong nước nói riêng giảm thiểu rủi ro trước những cú sốc, và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Đơn cử trong năm 2020 vừa qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 2,9% – mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên nếu đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội thì đây được xem là năm thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,8%.

Mô hình tăng trưởng mới, bối cảnh phát triển cũng mới đòi hỏi các chính sách phát triển công nghiệp cũng phải đổi mới, khác với những chính sách đã thực hiện trong quá khứ. Tổ chức Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) đã chỉ ra rằng chính sách công nghiệp mới là cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề mới như hội nhập, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, công nghiệp 4.0, phát triển sản xuất gắn với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động, tái cấu trúc chuỗi giá trị để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài… Chính sách công nghiệp mới phải gắn liền với hoạt động xúc tiến, tạo thuận lợi đầu tư, đồng thời có các cơ chế sàng lọc đầu tư nhằm tạo động lực thu hút đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước. Để có thể xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách công nghiệp mới này, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những giải pháp đột phá, đổi mới hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thể chế hoá các định hướng phát triển công nghiệp đã được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết 23.

Những số liệu và nhận định trên đây cũng phần nào cho thấy vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hoá lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm; song song với đó là phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phân phối và dịch vụ cho các nhà sản xuất để tạo động lực kép thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo chính là tạo thị trường cho các ngành dịch vụ phát triển, chính vì vậy nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước lớn mạnh cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang kiến tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành dịch vụ; ngược lại phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất cũng chính là góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của ngành chế biến, chế tạo.

Trung Hiếu