Cổ phiếu lao dốc, thu nhập của lao động ngành công nghệ Mỹ giảm mạnh
Vốn được xem như chìa khóa mở cánh cổng đến thiên đường của sự giàu có song những năm gần đây sự biến động mạnh mẽ trong ngành công nghệ khiến cổ phiếu ngành này sụt giảm mạnh, giấc mơ làm giàu của nhiều người theo đó cũng tan thành mây khói…
Có thể thấy với các lao động ngành công nghệ, cổ phiếu chiếm phần lớn khoản thu nhập của họ. Đặc biệt giai đoạn dịch Covid – 19 bùng phát, nhu cầu học tập, làm việc từ xa tăng vọt giúp các hãng công nghệ trở thành “con cưng” của thị trường, kéo theo lương thưởng của các lao động trong ngành cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên khi tình thế đảo ngược, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất thì cổ phiếu ngành công nghệ cũng lao dốc. Bước sang năm 2023, dù các mã này đã dần hồi phục song vẫn còn kém xa so với đỉnh năm 2021.
Cổ phiếu công nghệ lao dốc đã làm bốc hơi lượng lớn tài sản mà các nhân viên công nghệ dự định sẽ dùng để chi trả cho các khoản lớn như mua nhà, đóng học phí… Kế hoạch IPO của các startup cũng bị hoãn lại, khiến kỳ vọng làm giàu của nhiều nhân viên bị đình trệ vô thời hạn. Thậm chí, hàng trăm nghìn nhân viên ngành này đã rơi vào cảnh mất việc.
Điển hình là trường hợp của Tommy York (33 tuổi) – một kỹ sư tại Google đã bị sa thải cùng hàng nghìn nhân viên khác và chỉ nhận được 46.000 USD cổ phiếu. Thị trường việc làm cho ngành công nghệ ngày càng thu hẹp cũng đồng nghĩa Tommy York sẽ phải chấp nhận mức lương thấp hơn cho công việc sắp tới.
Thông thường các lao động ngành công nghệ sẽ được nhận một lượng cổ phiếu (trả dần trong vài năm) và số cổ phiếu này thường chiếm phần lớn tài sản của họ. Nhiều người chọn cách giữ, không bán vì tin tưởng giá cổ phiếu sẽ còn tiếp tục tăng. Brandon Welch – cố vấn tài chính tại San Diego cho biết nếu như thời điểm cổ phiếu công nghệ tăng cao, phương thức trả lương bằng cổ phiếu là yếu tố hấp dẫn thì bước sang năm 2022, nó đột ngột trở thành bug (thuật ngữ chỉ lỗi trong quá trình phát triển phần mềm).
Giai đoạn 2015 – 2021, giá các cổ phiếu FAANG (gồm các đại gia công nghệ Meta Platforms, Apple, Amazon, Netflix, Alphabet) đã tăng gấp hơn 4 lần. Khi đó Welch – một người trẻ tuổi làm việc trong ngành công nghệ đã lên kế hoạch mua nhà cho cha mẹ, hoặc mua cho bản thân căn nhà thứ hai ở những nơi như Hawaii. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại khi cổ phiếu ngành công nghệ lao dốc, ai cũng chỉ nói về sa thải và thắt chặt chi tiêu thì kế hoạch của Welch cũng tan thành mây khói.
Tương tự Samantha Voigt – Kỹ sư phần mềm tại Square (hiện là Block) cũng đã kiếm được khoản kha khá khi cổ phiếu công ty tăng gấp 9 lần trong thời gian cô làm việc tại đây. Không chỉ trả xong nợ học phí, Samantha Voigt còn mua xe hơi hoàn toàn bằng tiền mặt, đóng tiền đều đặn vào tài khoản lương hưu và có 500.000 USD trong tài khoản đầu tư. Tuy nhiên sau khi trải qua giai đoạn đại dịch, cô quyết định chuyển sang làm việc tại một công ty khác với mức lương cao hơn nhưng không còn chế độ trả cổ phiếu nữa. Không còn khoản thu hời từ cổ phiếu buộc Samantha Voigt phải thắt chặt mọi chi tiêu
Ryan Stevens (39 tuổi) – một kỹ sư từng làm hỗ trợ phát triển sản phẩm cho Google, Meta và website hỏi đáp Quora cho biết mặc dù số cổ phiếu và quyền chọn mà anh được nhận trong thời gian làm việc trong ngành công nghệ ít hơn so với các kỹ sư khác nhưng anh vẫn hy vọng chúng đủ giúp mình mua nhà sau khi lấy vợ. Mục tiêu của anh là có 300.000 USD để trả trước cho một căn nhà trị giá 1,5 triệu USD.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, khi đã có một em bé 2 tuổi, Stevens vẫn chưa được dùng quyền chọn mua cổ phiếu từ quá trình 6 năm làm việc ở Quora bởi công ty này vẫn chưa làm IPO.
Meta – công ty Stevens gia nhập vào tháng 8/2021 và bị sa thải vào tháng 11/2022 cũng thông báo chi trả cho anh 80.000 USD cổ phiếu trong 4 năm. Sau khi bán bớt một ít cổ phiếu để trang trải chi phí sinh hoạt, anh chỉ còn khoảng 10.000 USD cổ phiếu. “Những chuyện này lẽ ra sẽ như một phép màu vậy. Nó khiến chúng ta sẵn sàng mua một căn nhà và cảm thấy như mình đã làm được” – Stevens than thở.
Hoàng Khoa