Cổ phiếu của Masan giảm sâu kéo giá trị khoản đầu tư của các cổ đông chiến lược đồng loạt giảm
Sau thông tin sáp nhập VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã bị giới đầu tư bán mạnh và rơi vào trạng thái giảm sâu…
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12/2019, cổ phiếu MSN của Masan giảm sàn về mức 55.700 đồng/cổ phiếu, giảm 20% so với đầu tháng và giảm 28% so với đầu năm.Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu MSN dẫn đến tình trạng giảm sâu có thể do họ lo ngại kết quả kinh doanh của Masan sẽ bị ảnh hưởng khi nhận sáp nhập VinCommerce – đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+. Mặc dù là một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô nhất tại Việt Nam song do đang trong quá trình mở rộng nên chuỗi kinh doanh bán lẻ Vinmart, Vinmart+ của VinGroup vẫn đang trong tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo bộ phận của VinGroup, trong năm 2018, doanh thu mảng bán lẻ của Tập đoàn này đạt 21.257 tỷ đồng nhưng lỗ 5.121 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu 23.571 tỷ đồng nhưng lỗ 3.461 tỷ đồng.
Việc cổ phiếu cổ phiếu MSN của Masan giảm sâu đã khiến giá trị khoản đầu tư của các cổ đông chiến lược như SK Group, Government of Singapore (GIC) – Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore cũng có sự sụt giảm đáng kể.
Vào tháng 10/2018, SK Group – một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ cao, logistics, dịch vụ đã chi 470 triệu USD để mua vào 110 triệu cổ phiếu, tương ứng mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, nếu tính theo thị giá MSN tại ngày 12/12/2019 (55.700 đồng/cổ phiếu), giá trị khoản đầu tư của SK Group đã tạm thời mất đi 44% giá trị, chỉ còn 262 triệu USD.
Cùng với SK Group, vào cuối năm 2018, GIC cũng đã mua vào khoảng 52 triệu cổ phiếu MSN từ KKR với tổng giá trị hơn 200 triệu USD. Giao dịch thành công giúp GIC tăng tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn của Masan. Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay giá trị khoản đầu tư này đã sụt giảm đáng kể. Nếu tính theo thị giá MSN tại ngày 12/12/2019 (55.700 đồng/cổ phiếu), ước tính lượng cổ phiếu mà GIC mua thêm trong khoảng 1 năm qua đã mất tới 35% giá trị.
Không chỉ các cổ đông chiến lược mà bản thân ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan cũng chịu ảnh hưởng từ việc cổ phiếu MSN giảm sâu. Theo công bố cập nhật của Forbes ngày 11/12, ông Nguyễn Đăng Quang đã không còn là tỷ phú USD khi tổng tài sản chỉ còn 974,5 triệu USD. Trước đó vào tháng 3/2019, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Forbes công nhận là tỷ phú với khối tài sản vào thời điểm đó lên tới 1,3 tỷ USD. Việc ông Quang bị loại khỏi danh sách tỷ phú có thể chỉ là biến động ngắn hạn; nếu diễn biến cổ phiếu MSN có sự phục hồi và khởi sắc trở lại trong thời gian tới, nhiều khả năng ông Quang sẽ lại tiếp tục góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Kim Anh