Cơ hội vàng thúc đẩy làn sóng đầu tư vào khu công nghiệp
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và là quốc gia hiếm hoi duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, Việt Nam đang ngày càng được biết đến nhiều hơn là điểm đến an toàn và thích hợp trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Cùng với lợi thế an toàn và yếu tố chính trị ổn định, làn sóng dịch chuyển đầu tư đang tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khu công nghiệp tại Việt Nam.
Liên tiếp trong 2 năm gần đây, chính sách thuế quan thay đổi tại nhiều quốc gia và ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia ngày càng đẩy mạnh sự dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Kết quả tăng trưởng dương tích cực trong năm 2020 cộng với lợi thế được đánh giá cao về tính an toàn và ổn định về chính trị, kinh tế đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến trong xu hướng dịch chuyển này.
Theo số liệu thống kê của Nomura Group, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến tháng 8.2019, trong số 56 doanh nghiệp nước ngoài dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có tới 26 doanh nghiệp (chiếm 46,4%) chọn Việt Nam làm điểm đến, 11 doanh nghiệp chọn Thái Lan và 11 doanh nghiệp sang Đài Loan (Trung Quốc). Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan (Trung Quốc) hay Sharp, Nintendo, Komatsu từ Nhật Bản và Lenovo từ Hồng Kông (Trung Quốc) cũng di chuyển sản xuất đến Việt Nam.
Riêng trong năm 2020, làn sóng dịch chuyển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục tạo nên điểm sáng cho ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN). Các dữ liệu thống kê cho thấy, trong năm 2020, có đến 15 doanh nghiệp Nhật Bản quy mô vừa và nhỏ đến doanh nghiệp quy mô lớn di dời đến hoặc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu đến Việt Nam đang tạo hiệu ứng ngoạn mục trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản KCN. Chuyên gia Phạm Bình Phương (Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam) phân tích, làn sóng di dời nhà máy tăng mạnh từ năm 2019 giúp các doanh nghiệp trong nước ghi nhận lợi nhuận cao trong 2019. Bước sang năm 2020, điểm sáng tiếp tục xuất hiện tại một số doanh nghiệp khi ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận sau thuế từ 30% trở lên tới trên 625% như Công ty Cổ phần Long Hậu (37,5%), Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (64,7%) hay Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa (625,4%).
Theo đánh giá của Mirae Asset Việt Nam, đa số các doanh nghiệp đạt kết quả tăng trưởng lợi nhuận cao vẫn còn quỹ đất sẵn sàng cho thuê trong năm 2020 và được lợi từ việc giá thuê KCN tăng trong 2020. “Như vậy có thể thấy, những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê hoặc có thể mở rộng quỹ đất mới trong năm 2021 sẽ là những doanh nghiệp sáng giá của ngành” – Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư đang tạo cơ hội rất lớn cho lĩnh vực bất động sản KCN tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, theo Mirae Asset Việt Nam, có một thực tế cần được đánh giá nghiêm túc là tỉ lệ lấp đầy trung bình tăng mạnh từ 2018 đang dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu có thêm các KCN mới trên địa bàn khu vực công nghiệp cấp 1. Cụ thể, ở khu vực phía nam, tỉ lệ lấp đầy đạt 88% ở TP.Hồ Chí Minh, 99% ở Bình Dương, 94% ở Đồng Nai và 84% ở Long An. Ở phía Bắc, tỉ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.
Trong khi đó về dài hạn, nguồn cung đất công nghiệp tại các khu vực cấp 1 dự kiến sẽ suy giảm do chính sách thu hẹp phạm vi và di dời nhà máy ra khỏi thành phố của chính quyền. Do đó, các khu vực công nghiệp cấp 2 đang được nhắm đến và kỳ vọng trở thành nguồn cung KCN mới dồi dào cho các nhà đầu tư nước ngoài như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình ở phía Bắc và Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu ở phía Nam.
Để đón sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện ngay một số giải pháp nhằm tiếp tục tạo thêm lợi thế và cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút vốn FDI. Trong số này cần sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Trong đó, cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Đáng chú ý theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả, một giải pháp cần triển khai ngay là thực hiện rà soát toàn bộ các KCN theo hướng cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, cần thu hẹp hay thu lại và công bố rộng rãi danh sách các KCN có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng.
Một yêu cầu quan trọng khác là cần thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp phân cấp phê duyệt đầu tư, tinh gọn quy trình, thủ tục về đầu tư nước ngoài, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, công bố quy định, quy trình một cách công khai, minh bạch.
Nắm bắt nhu cầu của giới đầu tư nước ngoài với hạ tầng khu công nghiệp, về lâu dài, TS Cấn Văn Lực đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (KCN, điện, nước, hạ tầng giao thông, vận chuyển) và quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo đánh giá và khuyến nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2019. Việc thu hút đầu tư cũng cần hướng mạnh mẽ hơn vào cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; song hành với thúc đẩy phát triển nhanh hơn công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi trong và ngoài nước.
Duy Anh