Cơ hội kết nối cung cầu từ Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ lần thứ 3 – năm 2020

“Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam đang xúc tiến tìm kiếm các nhà cung cấp tại chỗ nhằm gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, tối ưu hóa chi phí sản xuất” là thông tin đáng chú ý được bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Tp.HCM đưa ra tại “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ lần thứ 3 – năm 2020”.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh cho biết nổi bật trong số này là Tập đoàn TTI của Mỹ đang tích cực tìm kiếm các đối tác phù hợp để mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cụ thể là tại Tp.HCM – “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Sau khi đầu tư 65 triệu USD vào Khu Công nghệ cao Tp.HCM, TTI cần phát triển 200 nhà cung cấp nội địa trong vòng 1 năm song ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn này mới tìm được hơn 50 nhà cung cấp.

Nắm bắt cơ hội này, Sở Công Thương Tp.HCM đang tích cực kết nối TTI với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố cũng như các tỉnh, thành lân cận; đồng thời cùng Tập đoàn tiến hành khảo sát, đánh giá và hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng của TTI. “Từ đầu năm 2020 đến nay, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất công nghiệp sụt giảm tới 50%. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và bi đát như vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn duy trì được hoạt động cho thấy họ rất có thực lực. Đặc biệt, qua 3 kỳ hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, đã có khoảng 45 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm được đối tác phù hợp, trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn sản xuất lớn. Nổi bật có thể kể đến Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty Nhật Minh, Công ty Tiến Thịnh… đã có nhiều đơn hàng, cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn và đang tìm thêm mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất”- bà Oanh hồ hởi chia sẻ.

“Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 lần thứ 3” do UBND Tp.HCM chủ trì, Sở Công Thương cùng Ban quản lý các Khu chế xuất&Khu công nghiệp và Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM phối hợp tổ chức nhằm kết nối cung cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam và Tp.HCM. Với ý nghĩa đó, Hội nghị thu hút 14 doanh nghiệp nước ngoài sản xuất công nghiệp đầu cuối (thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo, y tế kỹ thuật cao) tham gia kết nối với khoảng 60 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Tp.HCM với tổng cộng hơn 250 cuộc kết nối.

Chương trình năm nay có bố trí nhiều khu vực trưng bày như: Khu trưng bày các sản phẩm công nghiệp chủ lực; Khu trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu Tp.HCM; Khu trưng bày Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp…Ngoài ra Ban tổ chức còn tổ chức cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố đi tham quan nhà máy của Tập đoàn TTI tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức cho biết trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động thiết thực nhằm đồng hành tiếp sức cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất; cải thiện điều kiện làm việc, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là một trong những hoạt động được lãnh đạo Tp.HCM đặc biệt quan tâm và tập trung phát triển.

Cũng theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ là hoạt động thường niên có ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn ra được những cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Phó Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động kết nối cung cầu với các doanh nghiệp; tạo điều kiện để Tp.HCM phát triển mạng lưới các nhà sản xuất có năng lực, làm nền tảng phát triển công nghiệp bền vững.

Ngọc Ánh