Cơ hội cho du lịch Việt Nam từ thượng đỉnh Mỹ – Triều
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam đứng số 1 trên 136 nước với nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017. Đồng hạng với Việt Nam là Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Singapore…Đây chính là một trong những lý do quan trọng nhất để Mỹ và Triều Tiên nhất trí chọn Việt Nam là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2.
Với bộ ảnh check in các hang động ở Quảng Bình với ba lá quốc kỳ Triều Tiên – Việt Nam – Mỹ, ông Nguyễn Châu Á kỳ vọng giới thiệu đến thế giới về một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thân thiện. Ảnh: Oxalis.
Hà Nội được biết đến là Thành phố vì Hoà bình – danh hiệu do UNESCO phong tặng năm 1999. Giải thưởng này được trao cho 5 thành phố tiêu biểu đại diện cho 5 châu lục trên thế giới, hiện Hà Nội là thành phố đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nhận danh hiệu này.
Một khi tổ chức thành công cuộc gặp Trump – Kim, Việt Nam sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội để nhiều người Mỹ biết Việt Nam hiện là một quốc gia hòa bình và giải quyết sự chần chừ của những du khách có ý định đến Việt Nam nhưng vẫn lo ngại về an ninh, an toàn.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Du lịch, nhận định cuộc gặp Trump – Kim là “cơ hội lịch sử” bởi sự kiện này là tâm điểm của truyền thông thế giới. Khoảng 3.000 phóng viên quốc tế sẽ đến Hà Nội để đưa tin về sự kiện này, trong đó có hàng trăm hãng truyền hình, thông tấn, báo chí. Từ đó, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh về một điểm đến hoà bình, tươi đẹp, an toàn, và thân thiện. “Sự quan tâm của hàng tỷ người trên thế giới sẽ góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của mọi người về Việt Nam trước đây”, ông Siêu chia sẻ.
Nhìn từ góc độ du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), chỉ ra việc Hà Nội được lựa chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai như lời khẳng định điểm đến này đủ khả năng phục vụ các sự kiện tầm cỡ quốc tế, với cơ sở vật chất, dịch vụ chuyên nghiệp từ loạt khách sạn 4 – 5 sao đến sân bay đáp ứng các đoàn khách lớn.
Theo ông Chính, việc tổ chức sự kiện này còn truyền đi thông điệp Việt Nam là điểm đến phù hợp với các nhà lãnh đạo, doanh nhân, những du khách chi trả cao hoặc khó tính… Đây chính là tiền đề cho loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp công tác, hội họp…) phát triển.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận thấy cơ hội để du lịch Việt Nam quảng bá qua hai kênh: những người đến tham dự hội nghị và đội ngũ phóng viên đưa tin. Trong suốt thời gian trước khi bắt đầu hội nghị đến sau khi cuộc gặp kết thúc, truyền thông thế giới sẽ liên tục nói về Việt Nam và đưa những câu chuyện bên lề thú vị. Do đó, các chuyên gia trong ngành đều đánh giá đây là cơ hội “có một không hai” để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới mà không tốn kém.
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng cục Du lịch nên huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng… để mời các phóng viên trải nghiệm miễn phí; hay thông qua các dịch vụ tại chỗ để giới thiệu văn hóa, ẩm thực… nhằm gợi mở về du lịch Việt Nam.
Ông Hoàng Nhân Chính gợi ra câu chuyện của thành phố Philadelphia (Mỹ). Nơi đây có một chiếc chuông Tự Do từng được rung lên để kêu gọi người dân đến nghe bản tuyên ngôn độc lập Mỹ vào năm 1776. Hiện tại, nơi trưng bày chiếc chuông thu hút hàng triệu khách mỗi năm. “Nếu cuộc gặp tới đi đến những dấu mốc lịch sử thì nơi tổ chức và các hiện vật liên quan có thể trở thành điểm tham quan, phục vụ du khách sau này. Muốn vậy, từ bây giờ ngành du lịch cần có những chuẩn bị trước”, ông Chính nói.
Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đơn vị đang phối hợp với Bộ Ngoại giao – cơ quan chủ trì tổ chức sự kiện, để có thể cung cấp thông tin “nhiều nhất, tốt nhất” tại trung tâm báo chí đặt ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Một không gian văn hóa Việt Nam cũng được thiết kế tại trung tâm này để giới thiệu những điều đặc sắc nhất của du lịch nước nhà. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức tour cho các nhà báo trải nghiệm Hà Nội và các tỉnh thành lân cận dựa trên nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên đi kèm với cơ hội luôn là thách thức, làm sao để đáp ứng được kỳ vọng của thế giới và các đối tác. Chắc chắn sau sự kiện lượng khách đến Việt Nam sẽ tăng lên, đòi hỏi các đường bay mới, sản phẩm mới, đa dạng, chất lượng.
Việt Nam có thể đàm phán với các hãng truyền hình lớn để lồng ghép phóng sự về đất nước, con người Việt Nam, sau đó phát sóng với chi phí vừa phải. Vì toà soạn, các đài mới là người có quyền đăng gì ngoài hội nghị, không phải phóng viên.
Ngành du lịch cũng cần thực hiện các chương trình quảng bá Việt Nam đến thị trường mục tiêu – nơi có hàng triệu người đang theo dõi sự kiện, thông qua nhiều hình thức khác nhau, như truyền hình, báo chí, mạng xã hội… Bên cạnh cơ quan quản lý du lịch làm quảng bá, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có những chương trình giới thiệu phù hợp nhân sự kiện này.
Tuấn Ngọc