Có hay không nguy cơ “bong bóng” bất động sản?

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong “cơn sốt” và đây chính là nguồn cơn của nguy cơ “bong bóng” bất động sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Tín hiệu đầu tiên cảnh báo nguy cơ bong bóng bất động sản có thể xảy ra chính là việc dòng tiền, nhất là dòng vốn FDI đang ào ạt chảy vào thị trường này bất chấp tác động của dịch bệnh Covid – 19. Nguyên nhân là do lĩnh vực bất động sản đang dần trở thành kênh đầu tư an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển, đặt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 3/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng tới 15,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 đạt 0.6 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái (0.264 tỷ USD).

Cùng với dòng vốn FDI, lĩnh vực bất động sản cũng có sức hút lớn đối với dòng tiền trong nước. Không ít người dân còn mạnh tay sử dụng đòn bẩy tài chính để bỏ tiền vào lĩnh vực bất động sản. Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm ngoái và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng. Trong đó tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%).

Tín hiệu thứ hai, giá đất nền tiếp tục gia tăng trong khi đó giá căn hộ cũng chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Báo cáo về thị trường bất động sản quý I/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy giá căn hộ chung cư tại các địa phương, nhất là tại Hà Nội và Tp.HCM đang có xu hướng tăng đều do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán.

Cũng như căn hộ, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội (Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%…); Hòa Bình tăng 46%; Bắc Ninh tăng 20%; Hưng Yên tăng 26%; Thanh Hóa; Tp.HCM (Tp.Thủ Đức, huyện Cần Giờ); Đồng Nai (Tp.Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành…). Tuy nhiên trên thực tế giao dịch chính thức được ghi nhận lại rất ít ỏi; nhà đầu tư chủ yếu xuống tiền đặt cọc, sau đó chuyển nhượng ngay cho nhà đầu tư khác khi giá tăng.

TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Chỉ đến khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động quay trở lại quỹ đạo thông thường mới có thể đánh giá chính xác diễn biến của thị trường bất động sản. Tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ sự quan ngại một khi dòng tiền tiếp tục chảy vào và giá bất động sản không ngừng tăng, nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản là điều không thể tránh khỏi.

Cũng như Việt Nam, nguy cơ “bong bóng” bất động sản nhiều khả năng cũng sẽ xảy ta tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Canada…. do giá nhà nơi đây bị đẩy lên cực điểm. Theo Bloomberg Economics, đây là hiện tượng chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, giá bất động sản trên khắp thế giới tăng đột biến làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ “bong bóng” bất động sản

Ở góc nhìn lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dù thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận tình trạng sốt đất và giá nhà tăng cao so với trước đó song ở thời điểm hiện tại các nhà đầu tư đều trong trạng thái cẩn trọng, chờ đợi thị trường trở về trạng thái cân bằng. “Theo tôi sự trưởng thành của các nhà đầu tư chính là yếu tố hàng đầu đảm bảo cho sự bình ổn của thị trường. Nếu nói khó xảy ra bong bóng bất động sản ở Việt Nam thì chưa đúng song ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng thị trường bất động sản đang có những tín hiệu hết sức lạc quan. Trong thời gian tới, sự biến động của thị trường còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố” – PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Trung Anh