Cơ chế lây nhiễm của virus Corona
Đại dịch viêm phổi corona đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Hàng chục ngàn người lây nhiễm. Hàng trăm người chết. Các chuyên gia trên toàn thế giới đang chạy đua để tìm hiểu mức độ lây nhiễm khủng khiếp của chủng virus nguy hiểm này.
Tính đến 19h00 ngày 4/2, 20.445 trường hợp ở Trung Quốc đã bị xác nhận nhiễm bệnh, số ca tử vong đã lên tới 425. Dựa trên các mô hình thống kê, các nhà khoa học dự đoán số ca nhiễm bệnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Số trường hợp nhiễm bệnh và chết do đại dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona vẫn đang gia tăng từng ngày, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu đem so sánh với các đại dịch gần đây, sự bùng phát của chủng virus corona mới dường như dễ lây lan hơn cúm mùa và mức độ lây lan ngang bằng với SARS trong năm 2002-2003.
Trong khi các cơ quan y tế chạy đua để kiểm soát ổ dịch, dựa trên dữ liệu không hoàn hảo, vẫn còn những câu hỏi lớn được đặt ra, cách virus truyền từ người sang người? thời gian ủ bệnh? và cả mức độ mà những người không có triệu chứng có thể lây bệnh?
Ủy ban Y tế Trung Quốc cho rằng, thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, dài nhất là 14 ngày và trong thời gian này, người nhiễm có thể truyền virus trước khi chuyển sang giai đoạn phát bệnh. Đó là lý do việc cách ly hai tuần trở thành một biện pháp phòng ngừa quan trọng và những nghi ngờ về tính hiệu quả trong việc kiểm tra nhiệt độ – phương pháp sàng lọc chính tại các cửa khẩu và các trạm kiểm soát nhập cư khác.
Giáo sư Christl A. Donnelly thuộc Đại học Oxford và Đại học Hoàng gia London cho biết, đối với một mức độ truyền bệnh nhất định, việc xuất hiện nhiều triệu chứng nhiễm bệnh sẽ khiến bệnh khó kiểm soát hơn.
Ngày 30/1, Mỹ đã nâng cảnh báo đi lại ở mức nghiêm trọng nhất (cấp độ 4), khuyến cáo người dân không đến Trung Quốc vì sự bùng phát của dịch bệnh do chủng virus corona mới gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hiện chưa rõ khả năng lây lan của virus corona giữa người với người dễ dàng và bền vững như thế nào, nhưng lưu ý khả năng lây lan từ người bị nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng khi tiếp xúc gần trong khoảng 6 feet (1 feet = 30,48 cm).
Các nhóm nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đều đưa ra những mô hình tính toán riêng, ước tính về số ca nhiễm bệnh ở tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Kết quả tính toán trên lý thuyết đều đưa ra các con số cảnh báo nguy hiểm, hay có tính toán cho thấy, chủng virus corona mới dễ lây lan hơn cúm mùa. Trên thực tế, chỉ trong 5 ngày từ 31/1 đến 4/2, ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc tăng hơn gấp đôi, từ 9.692 đến hơn 20.000 trường hợp.
Hệ số lây nhiễm là 2,2?
Một số nghiên cứu mới công bố ước tính, trung bình mỗi người nhiễm bệnh sẽ có khả năng lây nhiễm cho từ hai đến ba người khác. Các nhà dịch tễ học gọi đó là hệ số lây nhiễm (reproduction number).
Hệ số lây nhiễm lớn hơn 2 cho thấy một dịch bệnh sẽ lan rộng nhanh chóng, trong khi dưới 1 tức là vấn đề đang bớt căng thẳng. Tất nhiên, với các mô hình tính toán khác nhau, dựa trên các thời điểm nghiên cứu khác nhau, con số trên cũng đang được đánh giá không hoàn toàn giống nhau.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều có chung một khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của đại dịch. Nghiên cứu của GS. Christian L. Althaus – nhà dịch tễ học thuộc Đại học Bern (Thụy Sỹ) ước tính, hệ số lây nhiễm cơ bản của chủng mới virus corona hiện là 2,2, tức là xuất hiện mối đe dọa tiềm tàng của một đại dịch toàn cầu, nếu con số lây nhiễm không giảm trong những ngày tới.
Trên thực tế, các ca nhiễm bệnh đều xuất hiện mà không có bất kỳ tín hiệu nào có thể cảnh báo trước. Tại Nhật Bản, một tài xế xe buýt địa phương ở độ tuổi 60 đã kiểm tra dương tính với virus corona sau khi chở khách du lịch từ Vũ Hán, không ai trong số họ có biểu hiện gì nghiêm trọng.
Tại Đức, 4 nhân viên tại một nhà cung cấp phụ tùng ô tô đã nhiễm virus sau khi tham gia khóa đào tạo với một đồng nghiệp từ Trung Quốc. Người phụ nữ Trung Quốc không có biểu hiện triệu chứng nào trước đó, nhưng bắt đầu cảm thấy không ổn khi ngồi trên chuyến bay về nhà, nơi cô đã được thử nghiệm dương tính với chủng virus corona mới.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England của các tác giả Trung Quốc, bao gồm cả các nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho thấy, chủng virus corona mới đã lây lan giữa người với người ngay từ giữa tháng 12/2019. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 425 bệnh nhân, với hơn một nửa các trường hợp liên quan đến chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán – nơi các nhà chức trách tin rằng, virus này lần đầu tiên lây từ động vật hoang dã sang người.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc bắt đầu xác định và thu thập các trường hợp nhiễm bệnh vào khoảng đầu năm 2020, bằng cách phỏng vấn bệnh nhân, người thân và các mối liên hệ gần gũi khác. Họ cũng ước tính, hệ số lây nhiễm là 2,2 và cho biết, phần lớn bệnh nhân phải nhập viện sau khoảng 5 ngày nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đều cảnh báo rằng, ngay cả khi các ước tính về hệ số lây nhiễm nhằm đánh giá tiềm năng lây lan của virus mới chỉ dựa trên các dữ liệu sớm, không đầy đủ thì các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát sự lây lan nên được sớm khởi động. Sau đó, hệ số lây nhiễm có thể thay đổi tùy theo hiệu quả của các biện pháp phòng chống hay hoàn cảnh bùng phát dịch bệnh.
Các quan chức Trung Quốc cho biết, đại dịch virus corona tại Trung Quốc có thể lên đến đỉnh điểm hoặc bắt đầu giảm dần vào ngày 8/2. Tuy nhiên, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, dịch bệnh này có thể không đạt đỉnh trong khoảng thời gian vài tuần. Theo họ, hệ số lây nhiễm không nhất thiết dự đoán chính xác mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, vì còn nhiều yếu tố khác xuất hiện. Chẳng hạn, bệnh sởi có hệ số lây nhiễm từ 12 đến 18, nhưng không lây lan nhanh như vậy, vì đã có vaccine được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Cho đến nay, vẫn chưa có vaccine trị chủng virus corona mới, vì vậy chính quyền Trung Quốc đang dựa vào các biện pháp can thiệp vật lý, bao gồm phong tỏa toàn bộ thành phố và bắt buộc thực hiện kiểm dịch.
Các nghiên cứu gần đây thậm chí đã chỉ ra rằng, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt không chỉ cần thiết ở Trung Quốc, mà cần được thực hiện nghiêm túc ở một số quốc gia khác, để ngăn chặn sự bùng phát trên diện rộng.
Phó Giáo sư Adam Kucharski của Viện Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) khuyến cáo, cả các nghiên cứu để khống chế virus và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đều cần được thức hiện khẩn trương trong lúc này!
Kim Tiến