CIEM cảnh báo 5 thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 – Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại Hội thảo cùng tên, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Tại Báo cáo này, CIEM đã cảnh báo 5 thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.
Cụ thể CIEM cho biết khó khăn thứ nhất mà Việt Nam phải đối mặt là dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại các nền kinh tế chủ chốt, các đối tác thương mại – đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng cực kỳ lớn, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu, du lịch.
Tại Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 - Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới", CIEM cũng đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mức 2,1%. Ở kịch bản 2, mức tăng trưởng GDP được cải thiện hơn, song cũng chỉ ở mức 2,6% cho cả năm. Ngoài ra, xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản 1 và giảm 1,9% trong kịch bản 2 (so với năm 2019). Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.
Tính sơ qua có tới 17 đối tác kinh tế – du lịch hàng đầu của Việt Nam vẫn đang mắc kẹt trong cơn bão dịch, khó có thể trở lại trạng thái bình thường mới trong quý III/2020; thậm chí các quốc gia này còn đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Khó khăn thứ hai là sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu do đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ hơn bản chất nhạy cảm, dễ tổn thương.
Nếu đại dịch kéo dài, dư địa chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể bị thu hẹp, dẫn tới hạn chế khả năng ứng phó với các vấn đề an sinh xã hội phát sinh. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cũng cần cân nhắc thận trọng xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các mặt hàng có tính cấp bách (khẩu trang, găng tay….), tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn tới thế bị động khi nền kinh tế phục hồi hoặc chuyển hướng sau Covid-19. Ngoài ra việc vội vàng chạy theo một số sáng kiến dịch chuyển chuỗi giá trị mang hơi hướng “cạnh tranh địa chiến lược” cũng sẽ khiến Việt Nam mắc kẹt trong cuộc chiến giữa các nước lớn.
Khó khăn thứ ba đến từ thách thức duy trì sức sống cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hậu Covid-19, nhất là khi Việt Nam có hơn 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Nếu xét trong chuỗi giá trị sản xuất của khu vực và quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở vị trí thấp; phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập mặc dù được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, hỗ trợ. Trong khi đó khu vực FDI chưa đáp ứng được mục tiêu chuyển giao, nâng cao và phát triển năng lực công nghệ của nền kinh tế.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê (tháng 5/2020) cũng phần nào cho thấy những trở ngại không nhỏ của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường đầu ra cũng như đầu vào, nguyên liệu cho sản xuất.
Khó khăn thứ tư là đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng hơn các thách thức đối với an ninh của Việt Nam, cả ở khía cạnh truyền thống lẫn phi truyền thống. Điển hình có thể kể đến tình trạng tội phạm an ninh mạng đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…ảnh hưởng lớn tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.
Khó khăn thứ năm đến từ sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa các nước lớn hậu Covid-19; chính điều này cũng gây ra những thách thức mới cho hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Trong đó cuộc chiến Mỹ – Trung cùng các xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực và trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường hơn, thậm chí có thể gây sức ép lựa chọn đối tác ở một số thời điểm, một số vấn đề then chốt (công nghệ, vật tư y tế, chuỗi cung ứng, v.v.).
Ngoài ra đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động ngoại giao lớn bị gián đoạn, ảnh hưởng ít nhiều tới tiến trình thúc đẩy ký kết RCEP, kế hoạch đánh giá giữa kỳ các cơ chế quan trọng của ASEAN và xây dựng tầm nhìn ASEAN sau năm 2020…
Ân Thuyên