Chuyên gia Mỹ đề nghị cần tìm nguyên nhân ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM
Phó Giáo sư Mỹ Richard Peltier cho biết có hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí, giới chức Việt Nam cần tìm chính xác nguyên nhân để có hướng xử lý.
“Điều đầu tiên và thực sự quan trọng trong việc cải thiện tình trạng chất lượng không khí kém là tìm ra chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm ở Việt Nam”, Peltier ở Trường Sức khỏe cộng đồng và Khoa học sức khỏe, Đại học Massachusetts Amherst, nói trong bối cảnh Hà Nội và TP HCM đang trải qua những ngày bị cho là ô nhiễm nhất thế giới. Theo Phó Giáo sư Peltier, Việt Nam cần có thêm nhiều nghiên cứu để nhận dạng nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Có một số nguồn gây ô nhiễm vào khoảng thời gian khác nhau, như các phương tiện giao thông vào giờ cao điểm, lượng phát khí thải của các nhà máy sản xuất điện theo mùa (nhu cầu tiêu thụ điện cao hay thấp), các hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ.
Peltier tin “cộng đồng các nhà khoa học ở Việt Nam có đủ chuyên môn để phân tích các dữ liệu từ các nguồn gây ô nhiễm nói trên”.
Phó Giáo sư Mỹ cho biết có hai nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, là lượng phát thải chất bẩn vào không gian và do thời tiết. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu đến từ các hoạt động của con người, gồm đốt nhiên liệu cho xe ô tô, xe tải và xe máy, đốt cháy than hoặc gỗ để sưởi ấm và nấu ăn.
Bên cạnh đó, có những nguồn gây ô nhiễm không khí từ thiên nhiên như cháy rừng diện rộng, núi lửa, nhưng nói chung nguồn này gây ô nhiễm ít hơn so với hoạt động của con người, đặc biệt là ở môi trường đô thị như Hà Nội và TP HCM. “Hầu hết chất ô nhiễm ở các thành phố đến từ giao thông và sản xuất năng lượng”, Peltier nói.
Thời tiết cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Khi không có gió, lượng cô đặc chất ô nhiễm có thể tăng ở khu vực có dân cư sinh sống. Gió mạnh lên, từ mùa mưa hoặc thậm chí là trong thời tiết bình thường, cũng có thể đưa chất ô nhiễm đến các tỉnh khác, đến biển hoặc tới các nước khác. Peltier lưu ý con người không thể kiểm soát thời tiết nhưng có thể kiểm soát được lượng phát thải.
Đưa ra các khuyến cáo, Peltier cho hay điều quan trọng là người dân Việt Nam cần nhấn mạnh rằng “chất lượng không khí cần được quan tâm, khi đất nước tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh”.
Theo đó, họ có thể ủng hộ việc sử dụng năng lượng tái tạo, ủng hộ việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng. Những bên gây ô nhiễm không khí, gồm các nhà máy sản xuất điện, các chủ phương tiện cần phải gánh các chi phí xử lý ô nhiễm, nhằm khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát tình hình trong tương lai.
Peltier cho rằng việc kiểm soát và cải thiện ô nhiễm không khí thường là một quá trình chậm. Trong khi chờ có những thay đổi, cách tốt nhất là người dân cần tránh bị nhiễm chất độc hại ở bất cứ nơi nào.
Để tránh bị nhiễm chất độc hại, người dân cần chọn thời điểm để tập thể dục, đóng các cửa sổ và bật điều hòa trong nhà hoặc thậm chí là đi ra khỏi thành phố trong khoảng thời gian nào đó. Mọi người cũng có thể lắp đặt các thiết bị đo không khí trong nhà để có các thông tin cơ bản, dù chúng không tốt như thiết bị của chính phủ.
Mặt nạ có chứng nhận sẽ giúp làm giảm khả năng bị nhiễm chất độc. Các mặt nạn có các ký hiệu N95 hay N99 được khuyên dùng. Tuy nhiên dùng mặt nạ không phải là giải pháp lâu dài, nó chỉ giúp mọi người giảm khả năng bị nhiễm độc vào phổi.
Chuyên gia người Mỹ đánh giá các ứng dụng đo ô nhiễm của IQ Airvisual, OpenAir, Purple Air, cung cấp các dữ liệu miễn phí nhưng chưa toàn diện. “Người dân cần biết khi nào không khí ô nhiễm và khi nào nó ở mức có thể chấp nhận được”, ông nói.
Duy Sơn