Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ – Chìa khóa cho phát triển một nền nông nghiệp bền vững
Đó chính là khẳng định của các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như quốc tế tham dự Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”. Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ Hà Lan, Israel, Nhật Bản…đã có những chia sẻ hết sức quý giá về kinh nghiệm đầu tư công nghệ, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, từng bước đưa nông sản Việt gia tăng giá trị, nâng cao thương hiệu trên trường quốc tế.
Hà Lan – Nỗ lực hướng đến một ngành nông nghiệp chính xác
Ông Frans Lips – Cán bộ chính sách cấp cao, Bộ Nông nghiệp Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan cho biết Hà Lan có diện tích đất nhỏ so với dân số 17 triệu người và chính điều này đã gây áp lực không nhỏ lên ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đó khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành đáp án cho bài toán phát triển nông nghiệp tại quốc gia này.
Theo đó ngành nông nghiệp xứ sở hoa Tulip định hướng chuyển đổi để phục vụ các thế hệ tương lai, cung cấp thực phẩm, đảm bảo ổn định phù hợp cho người nông dân. Để tạo sự khác biệt cho các thế hệ tiếp theo, Hà Lan phải đưa ra các nghiên cứu mang tính chiến lược cả trong nông nghiệp, nước lẫn thực phẩm và đầu tư công nghệ chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề đang gặp phải, hướng đến một ngành nông nghiệp chính xác. Hiện tại xứ sở hoa Tulip đangcố gắng giảm chất thải ra môi trường, sử dụng công nghệ để xây dựng hệ thống mùa màng mới, đem lại lợi nhuận cao. Trong tương lai, chính công nghệ sẽ giúp ngành nông nghiệp Hà Lan trở nên cuốn hút hơn, thu hút nhiều lao động trẻ hơn
Về chuyển đổi số, Hà Lan tăng cường hỗ trợ các chương trình giúp người dân tiếp cận công nghệ, hướng đến mục tiêu tăng tính phì nhiêu của đất, thuần thục cách thức sử dụng công nghệ. Mỗi nông dân tham gia chương trình đào tạo này sẽ trở thành một đại sứ trong chương trình. Bên cạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quốc gia này cũng xây dựng giáo trình cho sinh viên, giúp sinh viên hiểu, áp dụng vào thực tế. “Nông nghiệp chính xác là một khái niệm hoàn toàn mới trong lĩnh vực nông nghiệp song đây lại là chìa khóa mở ra cánh cửa lớn hướng đến một ngành nông nghiệp thông minh, qua đó tạo môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp phổ cập cho người nông dân, sinh viên về cách làm” – ông Frans Lips cho hay
Israel và bài học thành công với các thiết bị nông nghiệp hiện đại
Ông Matan Rahav – Giám đốc kinh doanh Công ty CropX cho biết bí quyết thành công của ngành nông nghiệp Israel chính là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trong đó các thiết bị nông nghiệp dưới lòng đất đã giúp ích rất nhiều cho quá trình này. “Mặc dù các thiết bị đo dữ liệu trên mặt đất có giá cả phải chăng song về cơ bản dữ liệu trên mặt đất chỉ cung cấp các thông tin có giá trị dự đoán thấp. Trong khi đó các dữ liệu dưới lòng đất lại đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều bởi khi bạn thấy những biểu hiện trên mặt đất thì có nghĩa cây cối đã gặp vấn đề từ vài ngày trước đó ở dưới lòng đất. Điều này khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình khắc phục. Mong muốn của chúng tôi là có thể dự đoán và phòng ngừa bằng cách lấy dữ liệu từ đất và biết rằng cây cần nhận được những gì trước khi nó xuất hiện triệu chứng. Đó là tất cả những gì chúng tôi hướng đến” – Giám đốc kinh doanh của CropX chia sẻ.
Tại diễn đàn, ông Matan Rahav cũng đã giới thiệu về các sản phẩm của doanh nghiệp mình. Theo đó các thiết bị của CropX có nhiều ưu điểm như đơn giản, dễ sử dụng, dễ dàng giúp người nông dân phát hiện triệu chứng để sớm có biện pháp khắc phục. Cụ thể, thiết bị được đặt dưới lòng đất với quy trì cài đặt tự động, chỉ việc đặt xuống lòng đất là sẽ thu thập được dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm… Tất cả dữ liệu sẽ truyền tải lên đám mây (cloud) và tích hợp mô hình dự đoán thời tiết… Sau đó sử dụng thuật toán học phức tạp và đưa ra những kiến nghị phù hợp. Điều quan trọng là công nghệ này cũng giúp tối ưu hoá tưới tiêu, tiết kiệm năng lượng, thậm chí có thể phát hiện những vấn đề như ô nhiễm môi trường, việc sử dụng chất bảo vệ thực vật nhiễm ra xung quanh.
Nhật Bản – Dấu ấn chuyển đổi số trong nông nghiệp
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân đến từ Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) cho biết mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 1,24 % GDP của Nhật Bản song đất nước mặt trời mọc lại rất coi trọng ngành kinh tế này. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nông nghiệp Nhật Bản đang phải đối diện với rất nhiều thách thức (giảm số lượng nông dân, diện tích đất canh tác giảm…) và phát triển kỹ thuật số được xem là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết những vấn đề này.
Theo đó trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Nhật Bản ứng dụng để tư vấn lượng nước, phân bón cho nông dân; AI, robot giúp quản lý số liệu. Nhật Bản còn có nhiều chương trình nghiên cứu hỗ trợ nông dân công tác kỹ thuật. Nền nông nghiệp kỹ thuật ở Nhật Bản đang ở giai đoạn đầu nên Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, năm 2019 một người nông dân Nhật trung bình xuất khẩu nông sản thu được 40.000 USD, trong khi Việt Nam là 1.000 USD. Người dân Việt Nam sử dụng điện thoại để giải trí thay vì các mục đích liên quan đến nông nghiệp; thậm chí rất nhiều nông dân e ngại cải tiến phương thức canh tác. “Hiện nay có đến 70% nông sản đến từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Chúng ta nên lấy hộ nông dân sản xuất nhỏ làm trung tâm; trong các vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, có thể lấy là ĐBSCL làm trung tâm. Nông nghiệp kỹ thuật số sẽ giúp nông dân giảm thiểu tác động tiêu cực của khí hậu. Ngoài ra người nông dân cũng nên học giao dịch trực tuyến và Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ giúp nông dân phát triển nông nghiệp số” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân khuyến nghị
Khả Ân