Chuyển đổi mô hình tăng trưởng vùng ĐBSCL theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg, hướng đến mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao. Bên cạnh nông nghiệp, Quy hoạch cũng đề cao vai trò của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, xem đây là ngành có nhiều lợi thế và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trong giai đoạn tới.
Phát triển trên 6 nguyên tắc cơ bản
Nội dung Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản dựa trên 6 quan điểm phát triển chính. Thứ nhất, phát triển bền vững theo hướng “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa – xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, coi nước lợ, nước mặn, nước ngọt là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế.
Thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị. Trong đó, đối với nông nghiệp tập trung phát triển chuỗi giá trị về nông nghiệp thông qua hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp là nơi nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng. Đối với công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phát triển công nghiệp điện, đặc biệt là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ. Về thương mại – dịch vụ, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, thương mại biên giới và dịch vụ logistics.
Thứ ba, chuyển đổi mô hình tổ chức không gian phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung hơn; phát triển hành lang đô thị – công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, kết nối với Tp.HCM và vùng Đông Nam bộ; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hoá, công nghiệp hoá, phân bố tập trung tại các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực được xác định trong quy hoạch.
Thứ tư, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng liên kết phát triển kinh tế – xã hội giữa ĐBSCL với Tp.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Thứ năm, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, thủy lợi và hạ tầng xã hội. Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội
Đề cao vai trò của công nghiệp
Ông Đinh Trọng Thắng – Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết bên cạnh nông nghiệp thì Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề cao vai trò của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, xem đây là ngành có nhiều lợi thế và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Chính vì vậy trong thời gian tới cần tập trung đầu tư chiều sâu đối với các nhóm sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu nông-lâm-thủy sản vùng ĐBSCL trên trường quốc tế.
Đối với lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, định hướng của Quy hoạch vùng ĐBSCL là phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư xây dựng xưởng chế biến, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm giảm lượng nhập và hạ giá thành thức ăn, qua đó góp phần gia tăng hiệu quả nuôi trồng, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
Cũng theo ông Thắng, quy hoạch vùng ĐBSCL chú trọng cách tiếp cận theo chuỗi giá trị, trong đó xem xét và đề xuất định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả, năng suất và giá trị của từng công đoạn trong chu trình từ sản xuất, thu gom, phân loại, chế biến, bảo quản vận chuyển, xuất khẩu… Đặc biệt để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, cần có những thay đổi căn bản trong từng công đoạn của quá trình này. Đơn cử như về sản xuất thì cần chuyển đổi cơ cấu theo hướng giảm lúa gạo, tăng thủy sản và trái cây; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, quản lý chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc… Đối với công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, Quy hoạch vùng ĐBSCL cũng đã xác định các định hướng, giải pháp chính như nêu ở trên.
Nhìn vào nguồn lực đầu tư trong 10 năm qua cho thấy, dòng vốn đầu tư lớn nhất tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành cũng chỉ ở mức bình quân so với các ngành nghề khác, và cũng không phải là ngành có lợi thế so với cả nước. Cụ thể, đầu tư vào công nghiệp chế biến chủ yếu tập trung tại Long An và Tiền Giang (thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ). Với các tỉnh còn lại trong vùng, công nghiệp chế biến chủ yếu tập trung vào ngành chế biến nông – thủy sản nhưng khả năng tăng trưởng của ngành đã bão hòa xét cả trên diện tích, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, giá cả thị trường xuất khẩu biến động mạnh, các hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt nhưng khả năng đổi mới và nâng cấp ngành chưa tương thích. Tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và các đợt chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam tại thị trường Mỹ là sức ép cho quá trình dịch chuyển của nông nghiệp theo hướng tích cực, trong đó cần tập trung vào việc đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát được quá trình sản xuất và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Về định hướng phát triển các ngành công nghiệp chính, Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào một số ngành như: phát triển công nghiệp chế biến, trong đó chú trọng đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp; phát triển công nghiệp điện (đến năm 2030 tiếp tục hoàn thành các nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang); tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời; sau năm 2030 xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An); phát triển công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử; phát triển công nghiệp hoá chất và sản phẩm từ hoá chất có chọn lọc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, xanh, sạch, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước; phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin tại Cần Thơ, các đô thị lớn có vai trò là trung tâm của vùng, tiểu vùng.
Bảo Anh