Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa: Tăng thêm sức mạnh và sức lan tỏa cho hàng Việt
Qua 9 năm triển khai, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Tp.HCM và các tỉnh thành (gọi tắt Chương trình) đã gặt hái được những “quả ngọt” rất đáng khích lệ, góp phần hình thành mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa Thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước, tạo cầu nối giao thương, cung – cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cũng như tạo động lực để nâng tầm giá trị cho hàng Việt vươn xa.
Do nhiều nguyên nhân, thời gian qua khâu tiêu thụ hàng hóa của các địa phương trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND Tp.HCM, Sở Công Thương Thành phố đã khởi động thực hiện Chương trình vào năm 2012 nhằm khơi thông dòng chảy, kích cầu tiêu dùng cho hàng hóa. Qua 9 năm thực hiện, chương trình không chỉ góp phần giải quyết “đầu ra” cho hàng chục nghìn tấn hàng hóa mỗi năm mà còn góp phần nâng cao giá thị cho hàng Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối giao thương, cung – cầu hàng hóa, bình ổn thị trường khu vực, cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. .
Một trong những “điểm sáng” của Chương trình nằm ở sự rộng mở của thị trường tiêu thụ; sự đa dạng về mẫu mã cũng như sự nâng cao về mặt chất lượng của hàng hóa. Theo thời gian, Chương trình ngày càng thu hút đông đảo các DN, địa phương tham gia ngày càng tăng, lượng hợp đồng ký kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngày càng nhiều.
Nếu như năm đầu triển khai Chương trình (năm 2012) mới chỉ có vài chục DN tham gia với 43 hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết thì đến năm 2019 đã tăng vọt lên 45 địa phương với 2.341 doanh nghiệp. Đặc biệt năm 2020 vừa qua dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19 song Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa lần thứ 9 vẫn thu hút hơn 1.000 DN đến từ 41 tỉnh thành tham gia với gần 600 hợp đồng được ký kết.
Tổng kết từ đầu Chương trình đến nay đã có hơn 3.200 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện bình quân đạt khoảng 4.500 tỷ đồng/năm. Riêng về đầu tư, đã 28 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của Tp.HCM đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành với vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Minh Đức-, qua 9 năm triển khai Chương trình đã xây dựng thành công mối quan hệ hợp tác toàn diện và đồng bộ, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Tp.HCM về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố nói riêng – cả nước nói chung, tạo “bệ phóng” cho hàng Việt bay cao, vươn xa cũng như tạo được sức lan toả lớn đến hoạt động công thương tại các địa phương.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đến nay Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa do Tp.HCM khởi xướng và thực hiện không chỉ trở thành kênh kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân mà còn góp phần bình ổn thị trường, chống lạm phát, mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế hợp tác kinh doanh. “Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình, các DN cần chú trọng mở rộng thị trường nội địa gắn với kênh xuất khẩu, từng bước nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Ngoài ra Chương trình cần phát triển đa dạng loại hình DN, tổ chức kết nối mạnh mẽ trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, không ngừng đổi mới hình thức kinh doanh đồng thời kết hợp với Chương trình bình ổn thị trường, xây dựng Nông thôn mới, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo thêm sức mạnh cho hàng Việt ngày càng lan tỏa” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến nghị
Còn dưới góc nhìn của một chuyên gia, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM nhận định Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa là điểm kết nối những mặt mạnh, ưu thế của DN, của các ngành hàng để thúc đẩy sản xuất và hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa theo quy mô lớn, chuyên nghiệp. Qua những lần tổ chức, nhiều điểm nghẽn trong khâu sản xuất, cung ứng, dự trữ, phân phối hàng hóa đã được khơi thông, góp phần giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho các nhân tố tham gia chương trình.
Duy Anh