Chuỗi cà phê trong đại dịch – Linh hoạt tìm cách thích ứng với tình hình mới
Bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành tác động tiêu cực đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của ngành F&B cũng không thoát khỏi những hệ lụy; trong đó doanh thu của tất cả các chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam đều tụt dốc không phanh.
Kể từ 0 giờ ngày 09/7/2021, Tp.HCM – Trung tâm kinh tế tiêu dùng hàng đầu cả nước bước vào thực hiện cách ly toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Rõ ràng thời kỳ hoàng kim đã chấm dứt và ở thời điểm hiện tại các chuỗi cà phê đang phải hứng chịu những tác động dữ dội khiến doanh thu sụt giảm nhanh chóng, tình hình này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm cho mình hướng đi chiến lược để có thể vượt qua giai đoạn cam go, từng bước ổn định hoạt động kinh doanh.
Trước đó năm 2020, Highlands Coffee tiếp tục giữ vị thế là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam với tổng doanh thu đạt gần 2.140 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với năm 2019. Ở vị trí thứ hai là Phúc Long, The Coffee House ở vị trí thứ ba và Starbucks ở vị trí thứ tư. Tổng doanh thu của ba chuỗi Phúc Long, The Coffee House và Starbucks vào khoảng 700 – 800 tỷ đồng. Một điểm đáng lưu ý là giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, cả ba chuỗi đồ uống này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc, trung bình từ 30 – 40%/năm. Sự sụt giảm mạnh về doanh thu của Phúc Long, The Coffee House và Starbucks cũng phần nào cho thấy những tác động ghê gớm của đại dịch Covid – 19 đến toàn ngành F&B.
Ở nhóm xếp sau, Trung Nguyên và NISO ghi nhận tình trạng thua lỗ nặng. Cụ thể doanh thu của Trung Nguyên Franchising – đơn vị quản lý chuỗi Không gian cà phê Trung Nguyên giảm 1/3; còn doanh thu của NISO Group – đơn vị quản lý chuỗi nhà hàng & cà phê thương hiệu RuNam giảm tới hơn 1/2.
Về lợi nhuận, có sự phân hóa giữa các chuỗi cà phê lớn. Nổi bật trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp song hiệu quả hoạt động của hai chuỗi cà phê Highlands Coffee và Phúc Long vẫn không ngừng gia tăng. Cụ thể lợi nhuận của Highlands Coffee tăng 45%, đạt 80 tỷ đồng; tượng tự lợi nhuận của Phúc Long tăng tới 119%, đạt 35 tỷ đồng.
Trên thực tế Phúc Long đã lọt vào “mắt xanh” của Masan Group – công ty bán lẻ, tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Cụ thể cuối tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH The Sherpa – công ty thành viên của Masan Group đã công bố ký kết thoả thuận mua lại 20% cổ phần của Công ty CP Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long với giá trị giao dịch lên đến 15 triệu USD, tương ứng định giá chuỗi trà & cà phê 75 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng). Trong khuôn khổ giao dịch, VinCommerce đã thiết lập thoả thuận hợp tác chiến lược với Phúc Long. Theo đó, hai bên cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc và Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần mang các thức uống trà và cà phê tươi ngon thương hiệu Phúc Long đến 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam; đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Quay trở lại với The Coffee House, Trung Nguyên Franchising và NISO Group – các chuỗi cà phê vốn đã thua lỗ đã phải hứng chịu thua lỗ nặng hơn với lợi nhuận sụt giảm mạnh từ 39 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng. Để ứng phó với đại dịch, các chuỗi cà phê này đã có những sự điều chỉnh dù nhỏ song hiệu quả mang lại rất đáng kể như: cắt giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh khâu bán hàng trực tuyến, gia tăng tính hiệu quả, xin hoãn giãn nợ…
The Coffee House nằm trong số chuỗi cà phê thiệt hại nặng nhất trong đại dịch. Chủ tịch HĐQT The Coffee House – ông Đinh Anh Huân cho biết có đến 2/3 trong số gần 180 cửa hàng của chuỗi phải hạn chế số lượng khách vào cửa hàng trong mỗi đợt dịch để đảm bảo khoảng cách tối thiểu. Điều này đồng nghĩa với doanh thu của mỗi cửa hàng giảm đáng kể.
Còn ở thời điểm hiện tại, toàn bộ cửa hàng, nhà hàng tại Tp.HCM đã phải đóng cửa theo Chỉ thị 16, đội ngũ người lao động cũng phải tạm ngừng công việc chấp hành theo quy định. Mặc dù đóng cửa nhưng hệ thống F&B nói chung – The Coffee House nói riêng vẫn phải chi trả nhiều khoản chi phí: đầu tư hạ tầng, khấu hao từ việc mở rộng chuỗi trong các năm trước, thu nhập của người lao động…Ngay thời điểm cam go này, các chuỗi cà phê rất mong sự chung tay hỗ trợ của các đối tác, ngân hàng, chủ nhà cho thuê và Chính phủ, để cùng nhau đối phó dịch bệnh cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Quốc Anh