Chủ tịch VCCI cà phê sáng với các doanh nhân tiêu biểu của Lâm Đồng
Nhân dịp đến thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã dành thời gian cà phê sáng, trò chuyện cùng các doanh nhân và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
Nhận định chung của các doanh nhân là Hiệp hội Doanh nghiệp chưa thực sự làm hết vai trò của mình. Hiệp hội nên nói tiếng nói đại diện cho doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, liên kết các doanh nghiệp, kết nối với Hiệp hội của các địa phương khác, tổ chức xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp trao đổi hàng hóa, tìm kiếm thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả…
Thực tế là khi thay đổi lãnh đạo, có nhiều cơ chế, chính sách thay đổi hoặc làm không quyết liệt, hay có tình trạng nửa vời… Muốn các doanh nghiệp lớn lên, muốn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cần tạo động lực bằng các cơ chế chính sách thông thoáng, thống nhất từ cấp Trung ương đến cơ sở; tiếp cận tài chính minh bạch; thực sự hỗ trợ doanh nghiệp…Doanh nghiệp cần chính sách, cơ chế căn cơ và lâu bền, để hoạt động trong điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh ổn định.
Thêm nữa, năng lực của cán bộ, công chức các sở ngành không phải ai cũng lo được cái lo của lãnh đạo để lắng nghe tâm tư và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, hiện nay, các sở đều có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng ngoài thủ tục rườm rà và phức tạp, ngay việc chọn cái “mầm” nào để ươm, thì năng lực cán bộ, mô hình làm việc của công chức, viên chức không dễ mà thẩm định và lựa chọn được cái “mầm” xứng đáng…
Ngoài ra, một năm doanh nghiệp bị kiểm tra nhiều lần và biến tướng thành giám sát các kiểu về y tế, về lao động, về sản phẩm, về phòng cháy chữa cháy… cho nên không thể yên tâm nỗ lực sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, kinh tế nước ta đang phát triển theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp đều có rất nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới và tiếp cận khoa học công nghệ rất nhanh. Chính quyền nên minh bạch thông tin, để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi tạo ra sản phẩm cho xã hội, phát triển được ngành nghề địa phương, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, đóng góp ngân sách và góp phần vào an sinh xã hội…
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Vướng mắc hiện nay là thể chế không rõ ràng, thiếu minh bạch; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp yếu; còn nhiều rủi ro về thị trường… Giám sát là trách nhiệm và thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản có liên quan đối với hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ, hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương, chứ không phải của chính quyền với doanh nghiệp.
Đối với mô hình công chức hiện nay thì chế độ tiền lương, chế độ tuyển chọn, cơ chế sử dụng người của cơ quan nhà nước… khiến công chức, viên chức làm việc không hiệu quả. Thủ trưởng giao việc cho cấp dưới, cấp dưới chờ lệnh của cấp trên…Muốn giải quyết vấn đề, chính quyền nên cải cách tiền lương bằng cách giảm biên chế. Giảm biên chế bằng cách giao tất cả dịch vụ công cho xã hội và có thu phí. Chính quyền chỉ tập trung vào quản lý nhà nước, tức là làm những gì tư nhân không làm được. Chính quyền nên tạo điều kiện cho Hiệp hội Doanh nghiệp hoạt động và bắt tay nhau để phân phối sản phẩm của mình đến thị trường bạn.
Hiệp hội Doanh nghiệp nên thành lập trung tâm hỗ trợ pháp lý với thành viên là những người về hưu, nhưng giỏi và có tâm trong lĩnh vực của họ, như toà án, kiểm sát, công an, thuế… Họ sẽ tư vấn, hỗ trợ đầu tư và kết nối về pháp luật, về khoa học – công nghệ, về quản trị… giúp các doanh nghiệp có năng lực và uy tín khai thác nguồn vốn từ các quỹ, bảo vệ cho doanh nghiệp ở khía cạnh pháp lý, giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện để thu hút nhân tài.
Tùng Lâm