Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ một số vấn đề nổi cộm trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tại buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ những trăn trở của mình cũng như thẳng thắn đề cập đến một số vấn đề nổi cộm trong ngành ngân hàng như: mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; lãi suất tại các ngân hàng; nghiên cứu bổ sung một chương riêng về ngân hàng chính sách…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo người đứng đầu Quốc hội, đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương lần này cũng đã nhấn mạnh vấn đề phải chấm dứt sở hữu chéo; chấm dứt chứ không phải hạn chế. Đồng thời phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết mặc dù Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính song trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ – con; trong đó công ty mẹ là một tổ chức tín dụng hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn). Yêu cầu đặt ra ở đây là cần bổ sung, làm rõ các khái niệm như tập đoàn tài chính, người có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của các khái niệm trong hệ thống pháp luật. Đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; đặc biệt là báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin….

Đối với nội dung về 2 ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam) được quy định trong dự án luật, người đứng đầu Quốc hội cho rằng cần phải thiết kế một chương riêng về ngân hàng chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn tại các Nghị định có liên quan của Chính phủ nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu, phát triển các ngân hàng này. “Ưu tiên hàng đầu là mỗi ngân hàng chính sách đều có một Nghị định của Chính phủ. Sau này nếu có điều kiện thì sẽ tách ra thành Luật về Các ngân hàng chính sách xã hội. Mặc dù Điều 136 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có đề cập nội dung về tài chính của các tổ chức tín dụng nhưng quy định chỉ vài dòng. Điều này là không được! Yêu cầu đặt ra là phải quy định cụ thể hơn các vấn đề về doanh thu, chi phí tài chính (phần nào là doanh thu hợp lý, phần nào không hợp lý, trích lập dự phòng thế nào…). Tất cả đều phải công khai, minh bạch cho xã hội khỏi thắc mắc” – Chủ tịch đề nghị.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao sự tận tâm tận lực của ngành Ngân hàng dành cho nền kinh tế, đặc biệt là quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành. Trước đó tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. Số liệu này cũng đồng thời cho thấy mặt bằng lãi suất đang giảm và còn có thể giảm nữa trong thời gian tới. Lãi suất giảm nữa thì sản xuất và thị trường nội địa, thị trường tài chính mới, thị trường bất động sản… mới có cơ hội phục hồi được.

Tại buổi thảo luận, người đứng đầu Quốc hội cũng bày tỏ trăn trở rằng lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 mà lãi suất huy động lên đến 9 % thì quá vô lý. “Khi nào vấn đề cung tiền chưa được giải quyết thì nghịch lý giữa lạm phát và lãi suất của Việt Nam vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy để giải đáp thỏa đáng những câu hỏi như thế này thì cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng. Những nội dung nào cần chi tiết hơn nữa thì quy định bằng nghị định” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Huỳnh Mạnh