Chủ sở hữu Louis Vuitton: Tương lai của bán lẻ chủ yếu dựa vào trải nghiệm tại cửa hàng
Hiện có nhiều câu hỏi về tương lai của ngành bán lẻ, nhưng gã khổng lồ hàng xa xỉ của Pháp LVMH không nghi ngờ gì về tương lai bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng.
Jean Jacques Guiony, giám đốc tài chính của LVMH, nói với CNBC hôm thứ Hai: “Chúng tôi dự đoán hai điểm: việc bán hàng chủ yếu là tại các cửa hàng bán lẻ, bởi trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng bán lẻ không thể giống như khi mua hàng trực tuyến. Ý tôi là cho đến hôm nay, chưa ai tìm ra loại công thức thần kỳ giúp khách hàng có thể tận hưởng mua sắm trực tuyến. Dự đoán thứ hai là các nhà bán lẻ sẽ thúc đẩy trải nghiệm mua sắm trực tuyến phong phú hơn”.
Đại dịch COVID-19 và các quy định ở nhà sau đó đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong mua sắm trực tuyến và buộc nhiều nhà bán lẻ phải phát triển các dịch vụ trực tuyến của họ với tốc độ nhanh hơn. Động lực này đã thách thức nhu cầu mua sắm tại các cửa hàng.
Tuy nhiên, đối với LVMH, một trong những thương hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới, việc cung cấp dịch vụ trực tuyến chỉ là “sự bổ sung cho trải nghiệm thực tế”. Guiony nói rằng hầu hết khách hàng ghé thăm các cửa hàng trước đó đã lên mạng lựa đồ.
Ông nói với CNBC: “Họ nhận được rất nhiều thông tin, nhưng họ đến cửa hàng vì trải nghiệm ở cửa hàng là thứ không thể sánh được trên internet”.
LVMH báo cáo doanh thu năm 2020 giảm 17% so với năm trước. Việc kinh doanh không chỉ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp đóng cửa tại địa phương, mà còn bởi các lệnh cấm đi lại quốc tế. Các thương hiệu khác thuộc sở hữu của LVMH bao gồm Moet & Chadon, Marc Jacobs, Christian Dior và Bvlgari.
LVMH năm ngoái đã hoàn tất việc mua lại thương hiệu trang sức Tiffany trong một thương vụ trị giá 15,8 tỷ USD. Ông cho biết: “Việc mua lại Tiffany không phải là công việc ngắn hạn, mà nó sẽ kéo dài trong một số quý và mục tiêu không chỉ là tích hợp mà là phát triển doanh nghiệp vì vậy nó là một tiến trình lâu dài”. Cổ phiếu LVMH tăng khoảng 32,8% tính đến thời điểm hiện tại.
Minh Thư