Chính thức áp lộ trình giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn
Triển khai định hướng được vạch ra từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức bắt tay vào thực hiện việc siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, với lộ trình triển khai từ nay cho đến năm 2022. Đây được xem là động thái nhằm siết mạnh vốn cho vay bất động sản.
Theo đó ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thông tư quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn. Cụ thể từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2020, tỷ lệ này là 40%; từ ngày 1/10/2020 đến 30/9/2020 là 37%; từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 34% và kể từ ngày 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Như vậy các ngân hàng sẽ có thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Thông tư số 22/2019/TT-NHNN cũng quy định tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.
Với sự ra đời của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, có thể khẳng định một trong những điểm quy định của chính sách tiền tệ được chờ đợi trong năm nay đã chính thức chốt lại. Với mục tiêu tăng cường an toàn hệ thống và an toàn thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước dành hẳn lộ trình 3 năm để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn.
Nhiều năm trước đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng cũng chỉ quy định ở mức 30% song từ năm 2014 đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60%; sau đó dần siết lại như cũ vài năm trở lại đây cũng như trong ba năm tới.
Trước đó, tại dự thảo thay thế Thông tư 36, NHNN đề xuất 2 phương án giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 30%. Theo phương án 1, tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 40% từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020. Còn từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỉ lệ này sẽ được giảm về còn 35% và sẽ giảm tiếp về còn 30% từ 1/7/2021.
Trong khi theo phương án 2, lộ trình điều chỉnh chậm hơn. Cụ thể, từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020 tỉ lệ tối đa là 40%; từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỉ lệ tối đa giảm còn 37%; từ 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 tối đa 34% và từ 1/7/2022 sẽ được giảm về tối đa 30%.
Trân Nguyễn