Chính sách Trung Quốc của Philippines chỉ mang lại những lời hứa hão huyền

Gần trung tâm thủ đô Manila, các công nhân xây dựng hiện đang gấp rút hoàn thành cây cầu trị giá 69 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vào cuối năm nay sau nhiều lần bị trễ hạn. Cầu Binondo-Intramuros là một trong những cầu đầu tiên được hoàn thành trong số 14 dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ đang được triển khai. Quay trở lại năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tới Bắc Kinh và bày tỏ thái độ xích lại gần Trung Quốc. Ông tuyên bố vào thời điểm đó rằng: “Tôi tuyên bố tách khỏi Mỹ”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng 24 tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc sẽ đến mà không có ràng buộc. Cựu Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Ernesto Pernia, người nằm trong số các quan chức hàng đầu đã ký các thỏa thuận với Bắc Kinh, cho biết các cam kết đã gây ra một số “sự dè dặt” ngay từ đầu.

Năm năm sau và trong bối cảnh chỉ  còn khoảng 10 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tiếp theo, hầu hết các dự án lớn do Trung Quốc tài trợ vẫn chưa động thổ hoặc chưa được phê duyệt, chỉ có ba dự án đang được xây dựng. Tệ hơn nữa, các tàu Trung Quốc trong năm nay đã tràn vào vùng lãnh thổ tranh chấp mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc ban đầu đồng ý cung cấp 9 tỷ đô la cho các khoản vay ưu đãi, nhưng các khoản vay và viện trợ không hoàn lại của Bắc Kinh dành cho Philippines chỉ ở mức 590 triệu đô la vào năm 2019, tăng từ 1,6 triệu đô la vào năm 2016, theo dữ liệu từ Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia. Họ cũng cam kết đầu tư trực tiếp trị giá 15 tỷ đô la, nhưng các khoản đầu tư đã được phê duyệt tổng cộng chỉ là 3,2 tỷ đô la từ năm 2016 đến năm 2020, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines. Theo Philamer Torio, giáo sư tại Trường Chính phủ Ateneo ở Manila, hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản vượt xa viện trợ của Trung Quốc dành cho Philippines, với 8,5 tỷ đô la vào năm 2019. Bắc Kinh tính lãi suất cao hơn đối với các khoản vay “có điều khoản bảo mật nghiêm ngặt”. Torio nói: “Các đồng minh truyền thống của chúng tôi là Nhật Bản và Mỹ tiếp tục là những nhà hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Philippines”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm thứ Sáu đã bảo vệ giá trị của các dự án. Ông nói: “Trung Quốc và Philippines luôn phối hợp cùng nhau để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Các dự án liên quan cũng đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Philippines”.

 Theo Tina Clemente, giáo sư tại Trung tâm Châu Á của Đại học Philippines, một vấn đề lớn mà các dự án phải đối mặt là quá trình phê duyệt kéo dài của Philippines. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tránh xa đất nước này và đầu tư nhiều hơn vào những nơi khác trong khu vực do các vấn đề cơ cấu trong môi trường kinh doanh như hạn chế sở hữu nước ngoài, chi phí điện năng cao và cơ sở hạ tầng yếu kém. Clemente, người đã nghiên cứu về ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, cho biết: “Sự can dự kinh tế với Trung Quốc là không thể tránh khỏi, nhưng các kỳ vọng lẽ ra nên được kiểm soát tốt hơn”.

Trung Anh