Chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden cứng rắn hơn của Trump trong lĩnh vực tài chính

Theo báo cáo từ Cowen, khi căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục âm ỉ dưới chính quyền mới, rủi ro đối với các nhà đầu tư Mỹ khi tiếp xúc với Trung Quốc sẽ tăng lên.

Nhà phân tích Jaret Seiberg của Cowen Washington Research Group có trụ sở tại D.C. đã viết trong một ghi chú ngày 7 tháng 4: “Chúng tôi tin rằng Tổng thống Biden đang đưa ra các nguy cơ lớn hơn đối với các công ty tài chính Trung Quốc so với Tổng thống Trump. Chúng tôi tin rằng đội ngũ của Biden sẽ chiến lược hơn, đa phương hơn và hiệu quả hơn trong cách đối đầu với Trung Quốc so với đội ngũ của Trump”.

Áp lực không ngừng của Mỹ có thể sẽ biến các chính sách thời Trump với thời gian ân hạn dài ban đầu thành hiện thực. Điều đó bao gồm việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ, theo nhà phân tích Seiberg nói.

Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Chính quyền của ông đã gọi nước này là “đối thủ cạnh tranh” quyết đoán hơn và hôm thứ Năm đã thêm nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen của Mỹ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Chuyên gia Seiberg nói: ″Việc (hủy niêm yết) sắp xảy ra. Quốc hội đã ban hành luật vào năm ngoái và chúng tôi không thấy có kịch bản nào Mỹ có thể bãi bỏ luật này. Điều này có thể sẽ buộc các công ty Trung Quốc này phải giao dịch tại Hồng Kông”.

Vào tháng 12, Trump đã ký một đạo luật quy định rằng các công ty nước ngoài không thể được niêm yết trên sàn giao dịch của Mỹ nếu họ không tuân thủ trong ba năm liên tiếp các cuộc kiểm toán từ Ban Giám sát Kế toán Công của Mỹ.

Mỹ đã liệt kê khoảng 300 trường hợp bị từ chối thanh tra, với phần lớn là các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba và Baidu. Trong 15 năm qua, một số công ty Trung Quốc đã có thể huy động hàng tỷ đô la Mỹ thông qua niêm yết cổ phiếu trước khi gian lận tài chính của họ bị tiết lộ, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Bất chấp căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng, 30 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ vào năm ngoái – huy động được nhiều vốn nhất kể từ đợt IPO của gã khổng lồ Alibaba vào năm 2014 – và nhiều công ty khác đã tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Những người lạc quan cho biết thời gian tuân thủ ba năm sẽ cho các công ty và chính trị gia thời gian để hành động. Chuyên gia Seiberg hy vọng chính quyền Biden sẽ chặn đầu tư của Mỹ vào các ngân hàng Trung Quốc và mở rộng danh sách đen đầu tư của Mỹ để bao gồm nhiều công ty Trung Quốc hơn, đặc biệt là những công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Quang Thanh