Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 được Quốc hội thông qua

Tại ngày làm việc thứ 4, phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở xem xét cụ thể các vấn đề nêu trong Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc ban hành Nghị quyết

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đọc kết luận về cuộc họp.

Thứ nhất, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019 (chứ không lấy mốc thời gian so với doanh thu năm 2020 như Tờ trình của Chính phủ).

Thứ hai, đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn sẽ được miễn toàn bộ số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) của quý III và quý IV/2021. Trong Nghị quyết cũng đề cập đến việc các doanh nghiệp hoặc các đơn vị sự nghiệp hoạt động có nộp thuế nhưng chịu tác động tiêu cực của Covid-19; có phân định các đối tượng chịu ảnh hưởng theo lĩnh vực và trong các vùng, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Thứ ba, giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cho một số lĩnh vực dịch vụ theo Tờ trình của Chính phủ; tuy nhiên Chính phủ cần rà soát trong các lĩnh vực đang đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng để loại trừ, không giảm cho các lĩnh vực được hưởng lợi trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra Nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện để đảm bảo giảm thuế giá trị gia tăng, đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách.

Thứ tư, về vấn đề miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách khác nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý cần triển khai chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng trên cả hai kênh hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng và kênh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài khóa. Về kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ này, Chính phủ có thể sử dụng nguồn dự phòng còn lại của ngân sách nhà nước hoặc sử dụng từ nguồn điều chỉnh tăng hỗ trợ phần lãi suất qua hệ thống ngân hàng, bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ lãi suất qua Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tạo ra dòng tiền để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ dựa trên chi phí lao động đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Trên cơ sở kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Uỷ ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh Nghị quyết xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Nguyệt Anh