Chính quyền tỉnh Sơn La phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tới thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn và kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót có quy mô 1.800 ha, sản xuất tập trung các loại cây ăn trái như xoài, nhãn, mận hậu, thanh long…, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Trong đó mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót thu hút sự tham gia của hơn 20 hộ dân với diện tích trồng xoài hơn 70 ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía…
Trong 5 tháng đầu năm 2022, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
GRDP quý I/2022 tăng 5,02%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,83%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,9%, xuất khẩu tăng 3,2%, giải ngân thanh toán bằng 25% kế hoạch vốn giao…
Còn Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La có diện tích gần 9 ha, bao gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay (Nhà máy chế biến nước quả cô đặc; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh; Nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp) do Công ty CP Xuất nhập khẩu Đồng Giao đầu tư vận hành. Các nhà máy đều được đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại từ Italy, Nhật Bản, Đức; sử dụng nguồn nguyên liệu rau, củ quả sẵn có ở Sơn La để chế biến thành thành phẩm xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của nguồn nguyên liệu địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La nỗ lực đạt được trong thời gian qua. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Sơn La đã thay đổi rất nhiều, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã có sự bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế-xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi gắn với việc đổi mới tư duy, “đưa cây ăn quả lên sườn dốc”. Trong đó việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” chính là sự thay đổi tư duy rất quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, thay đổi thói quen canh tác, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên mỗi hecta đất canh tác.
Thủ tướng cũng biểu dương những nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó đi lên, biến tiềm năng lợi thế của quê hương thành hiệu quả kinh tế thực sự, tự tin làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Đây cũng là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Quan trọng hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…
Nhân đây Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao này. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng ổn định, bền vững gắn với tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Đây đều là những vấn đề cấp thiết cần triển khai ngay để hỗ trợ bà con nông dân. “Ngoài ra các cấp chính quyền cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới. Cái “bắt tay” giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên tinh thần hợp tác gắn bó, đôi bên cùng có lợi sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Sơn La nói riêng – khu vực Tây Bắc nói chung” – người đứng đầu Chính phủ đề nghị.