Chính phủ Thái Lan liên tiếp tung gói tín dụng hỗ trợ ngành lúa gạo

Hội đồng Chính sách Gạo Quốc gia Thái Lan do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha làm Chủ tịch mới đây đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 97,95 tỷ baht ( tương đương 2,947 tỷ USD) cho ngành sản xuất lúa gạo trong niên vụ mới 2018 – 2019. Gói tín dụng nhằm khuyến khích người dân ngừng bán lúa, cải thiện chất lượng thu hoạch cũng như tăng giá trị cho mặt hàng hạt gạo.

Trong gói tín dụng 97,95 tỷ baht này, Ngân hàng Nông nghiệp&Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) sẽ cung cấp khoản vay 35,06 tỷ baht; còn lại khoản thanh toán một lần 62,89 tỷ baht sẽ do Chính phủ Thái Lan trực tiếp trao cho nông dân thông qua BAAC. Gói tín dụng sẽ được triển khai trong vòng 1 năm bắt đầu từ tháng 9/2018 tại tất cả tỉnh, thành của Thái Lan, trừ khu vực miền Nam. Gói hỗ trợ cho miền Nam sẽ bắt đầu từ tháng 6 – 10/2019.

Ông Nathporn Chatusripitak – Cố vấn của Văn phòng Chính phủ Thái Lan cho biết gói tín dụng 97,95 tỷ baht sẽ được chia thành ba gói nhỏ hơn dành cho các mục đích khác nhau. Gói tín dụng thứ nhất là khoản vay 22,56 tỷ baht dành cho những nông dân đồng ý trì hoãn việc bán lúa và để hỗ trợ chi phí cải thiện chất lượng – giá thành cũng như công tác thu hoạch. Đối với chương trình này, Chính phủ sẽ trợ cấp 1.500 baht/rai (1 rai = 0,16ha) nhưng hạn chế ở 18.000 baht/gia đình hợp lệ và trên diện tích trồng không nhiều hơn 12 rai. Nếu đồng ý giữ lại thóc lúa trong kho, nông dân có thể thu về 17.050 baht/tấn gạo hom mali (hương nhài), 15.450 baht/tấn gạo nếp, 12.000 baht/tấn gạo trắng và 12.900 baht/tấn gạo thơm Pathum Thani. Gói tín dụng thứ hai là khoản vay 12,5 tỷ baht dành cho các hợp tác xã nông nghiệp để thu mua thóc gạo và tăng giá trị cho lúa gạo. Gói tín dụng thứ ba là chương trình hỗ trợ cho thương lái gạo đồng ý trữ hàng trong 60 – 180 ngày với tổng giá trị 572 triệu baht và lãi suất là 3%.

Trước đó vào khoảng đầu tháng 5, Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua cơ chế cấp tín dụng xây kho gạo để hỗ trợ bảo quản gạo, hoãn bán lúa vào chính vụ, qua đó góp phần bình ổn giá thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Gói tín dụng này có trị giá 1,67 tỷ baht (tương đương 55 triệu USD) dành cho các đối tượng nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nông nghiệp. Trong khoản tín dụng này, BAAC sẽ phân bổ khoản vay 150.000 Baht cho mỗi nông dân đáp ứng tiêu chuẩn cho vay và 3 triệu Baht cho mỗi tổ chức nông nghiệp. Mục tiêu chính sách là cho 10.000 khoản vay, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ 3% lãi suất hàng năm.

Năm 2018, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trong quý I/2018 xuất khẩu gạo của quốc gia này đạt 2,78 triệu tấn, đạt 44,09 tỷ Baht, tăng 3,1% về lượng và 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong quý I/2018, theo sau là Ấn Độ với 2,59 triệu tấn (giảm 20,8%), Pakistan 1,2 triệu tấn (tăng 38,9%), Việt Nam 1,05 triệu tấn (giảm 20,5%) và Mỹ 830.000 tấn (giảm 19,1%).

Bước sang quý II/2018, giá gạo Thái tăng mạnh vào tháng 4, tương đối vững trong tháng 5 nhưng giảm nhanh vào tháng 6. Tính chung trong quý II/2018, gạo Thái Lan giảm khoảng 8%.  Các thị trường châu Phi hàng năm thường nhập khẩu gạo đồ từ Thái Lan nhưng nhu cầu từ khu vực này trong nửa đầu năm nay đã giảm sút mạnh.

Theo : Nguyễn Cường