Chính phủ số tại Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong quý I hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số và Chính phủ số tại Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025.
Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và vận hành các ứng dụng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, điều này giúp người dân dễ tiếp cận dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.
Trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4), cho phép người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán qua mạng. Trong năm 2020, nhờ cách làm mới, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2016, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước là 1,42% thì đến năm 2020, tỷ lệ này là 30,86% (vượt mục tiêu 30% năm 2020).
Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tin học hóa quá trình tiếp nhận và quản lý quá trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, điều này giúp các cơ quan nhà nước nâng cao năng suất lao động và công khai, minh bạch các hoạt động của mình.
Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chiều ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Ngày 25/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dự lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là hai Hệ thống được mong đợi trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử.
Trong quá trình triển khai hai Hệ thống, Bộ Công an đã quyết tâm với phương châm: “Đồng bộ-Hiện đại-Bảo mật cao-Tránh lãng phí“. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, cơ quan nên phần việc của 2 dự án nêu trên được gộp lại, không đầu tư tràn lan, lãng phí rút ngắn thời gian đầu tư, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, nguồn lực… tiết kiệm khoảng 1.300 tỷ đồng. Kết quả này nói lên sự cố gắng rất cao của ngành công an và các cơ quan, đơn vị phối hợp đã phát huy được trí tuệ, sáng tạo để thực hiện dự án.
Sang giai đoạn 2 của dự án nêu trên, Bộ Công an đặt ra mốc ngày 1/7/2021 cơ bản cấp xong căn cước công dân có gắn chíp để nhân dân giao dịch và bỏ bớt các thủ tục giấy tờ.
Bộ máy công quyền sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số
Cho biết về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nêu 5 kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua.
Theo đó, điều đầu tiên là cần cơ quan điều phối thống nhất, cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, thực thi, đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn… Thứ hai là cách làm hài hòa giữa tập trung và phân tán. Thứ ba là luôn dùng công nghệ mới nhất, trong đó công nghệ số đang thay thế CNTT cho phép dùng các nền tảng số để triển khai đồng loạt, Chính phủ điện tử vì thế cũng được thúc đẩy nhanh hơn.
Thứ tư là đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá bởi Việt Nam là nước đi sau, vì vậy phải đi nhanh và đi trước thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng; chỉ khi có mục tiêu cao thì công nghệ mới thường tạo ra sự đột phá trong phát triển.
Thứ năm là cần ngân sách ổn định cho xây dựng Chính phủ điện tử. Ở Việt Nam, địa phương, bộ, ngành có thể dùng 1% ngân sách hằng năm để phát triển Chính phủ điện tử, đây là mức trung bình của thế giới.
Về định hướng phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết trong quý I/2021 hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
“Điều quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Quan điểm cơ bản phát triển Chính phủ số là: Toàn bộ hoạt động của Chính phủ an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, đưa ra quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó là định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác nhau tham gia vào vận động của cơ quan nhà nước, tương tác cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ. Cơ quan nhà nước là dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, nền tảng là giải pháp đột phá, phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng mọi nơi. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, coi Chính phủ số là thị trường phát triển công nghệ.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100% còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Theo đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/24 theo nhu cầu, các dịch vụ công mới được cung cấp kịp thời và trên cơ sở dữ liệu mở.
Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị…
Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng sẽ đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Duy Anh