Chính phủ nỗ lực tập trung gỡ vướng chính sách, hoàn thiện thể chế

Một trong ba khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là khâu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Đây cũng là nội dung được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và được Quốc hội tập trung thảo luận nhiều. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kế thừa những thành quả từ các nhiệm kỳ trước, với sự đồng hành hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ sau khi kiện toàn vào tháng tư năm nay đã bắt tay ngay vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trên con đường phát triển đất nước. Sau hơn 3 tháng, trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan” – khó khăn trăm bề do dịch bệnh Covid-19 thì công tác này vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Thủ đô Hà Nội hiện có hàng trăm chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, lâu nay trở thành nỗi lo của người dân và chính quyền thủ đô.

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được thành phố rất quan tâm và xác định là việc cấp bách nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Những vướng mắc về cơ chế vẫn là rào cản lớn cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vào ngày 15 tháng 7 vừa qua.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho rằng: “Nghị định 69 của Chính phủ vừa ban hành đã tháo gỡ rất nhiều về cơ chế, chính sách trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đối với sáu nội dung vướng mắc của thành phố Hà Nội kiến nghị về việc điều chỉnh Nghị định 101/2015 thì đã được Nghị định 69 giải quyết cơ bản, đầy đủ 6 nội dung. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã đủ điều kiện để cải tạo chung cu cữ trên địa bàn thành phố”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Ngày 22 tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch COVID-19. Khi các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, chưa theo kịp với thực tiễn, thì Nghị quyết này là văn bản rất quan trọng nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc, lúng túng cho các Bộ, ngành địa phương trong việc mua sắm, trang thiết bị trong trường hợp cấp bách.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Điều 26 Luật Đấu thầu quy định trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp, chúng ta có thể sử dụng vấn đề chỉ định thầu nhưng chưa nêu rõ ràng, cụ thể thế nào là đặc biệt, thế nào là khẩn cấp đã tạo ra những vướng mắc cho các bệnh viện, các địa phương trong việc mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Trong khi đó, yêu cầu cứu người bị bệnh hiện nay đang hết sức khẩn trương, nhanh chóng từng giây từng phút. Cho nên Nghị quyết 79 có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến việc bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về việc mua vắc xin phòng COVID-19 khi nhấn mạnh đây là tình huống cấp bách vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Chỉ trong hơn 3 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 70 nghị định, nghị quyết, chỉ thị, công điện, quyết định với nhiều nội dung giải quyết những vướng mắc hết sức cụ thể trong thực tiễn điều hành kinh tế – xã hội của đất nước thời gian qua.

Xác định việc hoàn thiện, xây dựng thể chế, cơ chế là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trong tất cả các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh đến sự quan tâm đặc biệt và yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này, để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định trái pháp luật.

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các thông tư, quy định thuộc thẩm quyền. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngay. Với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì các bộ, ngành cần chuẩn bị bài bản, đúng quy trình, quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đáp ứng tinh thần khẩn trương, kịp thời, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước.

Minh Vương