Chính phủ Hà Lan tạm dừng gói cứu trợ KLM trong bối cảnh bế tắc về các điều khoản

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan cho biết chính phủ Hà Lan sẽ ngừng gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro cho hãng vận tải quốc gia KLM trong bối cảnh bất đồng với hiệp hội phi công về các điều khoản của gói cứu trợ.

Tranh cãi này, nếu không được giải quyết, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho KLM, công ty sử dụng khoảng 30.000 nhân công. Công ty thông báo hôm thứ Sáu rằng họ ghi nhận khoản lỗ 234 triệu euro (273 triệu đô la) trong quý thứ ba do sự sụt giảm của ngành hàng không do đại dịch COVID-19 gây ra.

Giám đốc điều hành Pieter Elbers cho biết trong một tuyên bố: “Nếu không có khoản vay này, KLM sẽ không vượt qua thời điểm khó khăn này. Điều này khiến sự bế tắc trở nên vô cùng đáng lo ngại”.

Chính phủ đã cho KLM một khoản cứu cánh trị giá 3,4 tỷ euro (3,96 tỷ USD) vào tháng 6 để giúp hãng hàng không tồn tại trong thời kỳ suy thoái mạnh về du lịch hàng không trong bối cảnh đại dịch. Gói này bao gồm khoản vay 1 tỷ euro và 2,4 tỷ euro bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng.

Tuy nhiên, gói cứu trợ đó có những ràng buộc kèm theo, bao gồm yêu cầu KLM cắt giảm 15% chi phí và cải thiện tính bền vững của hãng hàng không.

Trong một bức thư gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Wopke Hoekstra nói: “Việc đảm bảo rằng các điều kiện đặt ra vẫn được đáp ứng là tùy thuộc vào KLM và các công đoàn”.

KLM đã đệ trình một kế hoạch tái cơ cấu lên chính phủ Hà Lan vào ngày 1 tháng 10, trong đó các liên đoàn lao động đại diện cho phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất đồng ý cắt giảm lương. Tuy nhiên, các thỏa thuận chỉ áp dụng đến năm 2022; Hoekstra đang tìm kiếm sự đảm bảo từ KLM rằng các công đoàn sẽ đồng ý cắt giảm trong suốt thời gian gói cứu trợ, có thể là 5 năm.

KLM cho biết năm công đoàn đã đồng ý ký một “điều khoản cam kết” nói rằng các thành viên của họ sẽ đồng ý cắt giảm lương trong toàn bộ thời gian. Họ cho biết một trong những công đoàn đại diện cho nhân viên cabin và mặt đất vẫn đang xem xét vấn đề, trong khi công đoàn phi công không đồng ý ký.

Hoekstra gọi lập trường của các phi công là “rất đáng thất vọng và rủi ro.”
Công đoàn của phi công cho biết các thành viên của họ đã đồng ý cắt giảm 20% lương và họ cam kết “tiếp tục chịu trách nhiệm đưa KLM vượt qua khủng hoảng và biến họ thành một công ty phát triển trở lại”.

Công đoàn của phi công cho biết KLM đã tìm kiếm cam kết bổ sung vào phút cuối và họ “không thể đạt được thỏa thuận trong khung thời gian này”.

Minh Anh