Chính phủ Anh cáo buộc Huawei thông đồng với Bắc Kinh
Theo CNBC, thành viên nội các của Anh vừa tuyên bố có thể loại trừ thiết bị của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc khỏi hệ thống mạng của nước này sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Các nhà lập pháp Anh cáo buộc Huawei ‘thông đồng’ với chính quyền Trung Quốc và đe dọa loại bỏ thiết bị viễn thông của hãng này khỏi hệ thống mạng của Anh vào năm 2025 thay vì mốc 2027.
Báo cáo mới đây từ các nhà lập pháp Vương quốc Anh cho thấy có “bằng chứng rõ ràng về sự thông đồng” giữa Huawei và chính quyền Trung Quốc. Áp lực mới từ phía Anh sẽ tạo thêm gánh nặng cho Huawei trong bối cảnh căng thẳng từ nhiều phía vì vấn đề bảo toàn dữ liệu và thông tin người dùng.
Trước đó, Huawei đã bị chặn khỏi các thị trường quan trọng như Australia và Nhật Bản, đồng thời phải đối mặt với một số lệnh trừng phạt từ Washington. Hồi tháng 5, chính quyền Nhà Trắng ban hành lệnh cấm các công ty bán sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei. Động thái này nhằm chặn đứng nguồn cung chip điện tử, một trong những linh kiện quan trọng trong sản xuất điện thoại di động của Huawei, khi đa số công ty sản xuất chip là công ty Mỹ hoặc sử dụng công nghệ Mỹ.
Ngay lập tức, Huawei phản đối bản báo cáo này của Anh. Phát ngôn viên của Huawei tuyên bố: “Báo cáo này thiếu độ tin cậy vì được xây dựng trên quan điểm chứ không phải thực tế. Chúng tôi tin người dùng sẽ bỏ qua những cáo buộc thông đồng vô căn cứ này và công nhận những gì Huawei mang lại cho Anh trong suốt 20 năm qua”.
Trước đó hồi tháng 7, chính phủ Anh ra lệnh các đơn vị khai thác mạng di động ở nước này buộc ngừng mua thiết bị của Huawei vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Anh sẽ cần loại bỏ thiết bị Huawei khỏi cơ sở hạ tầng của họ vào năm 2027.
Báo cáo từ Ủy ban quốc phòng về bảo mật 5G của Anh công bố hôm thứ năm cho biết mốc thời gian 2027 là “hợp lý”, tuy vậy mốc năm 2025 có thể được xem xét trong các trường hợp cụ thể. Các nhà lập pháp cho biết: “Nếu các đồng minh gia tăng áp lực về việc rút ngắn thời gian loại bỏ Huawei hoặc vị thế toàn cầu của Trung Quốc thay đổi đáng kể để can thiệp vào điều này, chính phủ có thể sẽ xem xét tính khả thi của mốc thời gian 2025”.
Theo các nhà lập pháp, lệnh cấm này sẽ làm trì hoãn việc triển khai 5G và gây thiệt hại kinh tế cho Vương quốc Anh và các đơn vị khai thác mạng di động. “Chính phủ nên thực hiện các động thái cần thiết để giảm thiểu trì hoãn và thiệt hại kinh tế, đồng thời xem xét bồi thường cho các nhà khai thác mạng nếu chuyển dời thời hạn của lệnh cấm sang năm 2025”.
Đầu năm nay, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh nghi ngờ Huawei là một đơn vị cung cấp rủi ro cao vì Huawei là công ty Trung Quốc, theo Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc năm 2017, có khả năng “hành động theo lệnh gây hại cho Vương quốc Anh”.
Theo luật này, các công ty Trung Quốc bắt buộc hợp tác trong nhiệm vụ tình báo của nhà nước, tức các công ty phải giao nộp dữ liệu cho Bắc Kinh. Huawei ngay lập tức phủ nhận cáo buộc này.
Trong cuộc điều tra, Andre Pienaar, nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm C5 Capital, tiết lộ chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho Huawei. Trong một bài báo tháng 12 năm ngoái, Wall Street Journal cũng cho biết Huawei đã nhận được khoảng 75 tỷ USD từ các khoản vay, hạn mức tín dụng và ưu đãi khác. “Bất chấp những phủ nhận của họ, rõ ràng là Huawei có liên hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc”, Ủy ban quốc phòng Quốc hội Anh khẳng định.
Tuy vậy, các nhà lập pháp khuyến cáo phương Tây không nên chống lại Trung Quốc một cách thiếu cơ sở và kêu gọi Vương quốc Anh cùng các đồng minh công nhận lợi ích chung mà Trung Quốc mang lại khi tham gia vào nền kinh tế.
“Vương quốc Anh và các đồng minh nên đảm bảo các quyết định được đưa ra dựa trên bằng chứng và chỉ loại bỏ Huawei khi chứng minh được rủi ro mà công ty này mang lại”, đại diện nhà lập pháp nói.
Thùy Trang