Chiến sự Nga – Ukraine và nguy cơ mất cân bằng chuỗi cung ứng lương thực tại châu Á

Cuộc chiến Nga – Ukraine không chỉ gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng kéo dài ở châu Á mà còn khiến giá lương thực tăng vọt, đẩy khu vực này đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng…

Một cánh đồng ngô ở ngoại ô Kiev, Ukrainer hồi tháng 7/2021. Ảnh: Reuters

Ukraine là một trong những quốc gia xuất khẩu ngô chính trên thế giới, chiếm 16% tổng sản lượng ngô xuất khẩu hàng năm trên toàn cầu. Tuy nhiên giao tranh khốc liệt đã làm tê liệt các khu vực tại biển Đen – cửa ngõ xuất khẩu bằng tàu biển chính của Ukraine, từ đó cắt đứt tuyến xuất khẩu sang châu Á.

 Thông tin từ S&P Global Commodity Insights, từ đầu tuần qua đã có ít nhất 8 chuyến tàu chở ngô qua biển Đen cho các nhà nhập khẩu châu Á bị hủy bỏ. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn hàng thay thế từ các nước khác. Tuy nhiên đối với các nhà nhập khẩu châu Á không bị hủy đơn hàng, điều này chưa hẳn là may mắn với họ bởi giá ngô – thực phẩm dùng trong chăn nuôi – đã đạt mức giá kỷ lục kể từ năm 2016, hơn 412 USD/tấn (khoảng 10 triệu đồng).

Hãng phân tích thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp Rabo Research cho biết kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, giá ngô đã tăng tới 17% nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu do các chuyến tàu chở hàng qua Biển Đen bị chậm hoặc hủy. Gián đoạn nguồn cung kéo theo tình trạng cạnh tranh, giành nguồn cung ngô và lúa mỳ ở nhiều doanh nghiệp tại châu Á.

Tuần này cảng chiến lược Kherson của Ukraine đã thuộc quyền kiểm soát của Nga. Ngoài ra quân đội Nga cũng đang tiến tới một cảng thuộc khu vực biển Đen có tên gọi Odessa. Giám đốc điều hành Christian Roeloffs của Container xChange cho biết hiện nay các khu vực tại biển Đen và biển Azov đang nằm trong vùng nguy hiểm hoặc không thể vượt qua. Đã có các cuộc tấn công tên lửa vào tàu thuyền, các vụ bắt giữ tàu cũng như nhiều làn vận chuyển thương mại bị đóng cửa.

Còn theo Công ty tình báo thị trường nông sản Tridge, lượng lúa mì Ukraine dự trữ tại Hàn Quốc (chủ yếu để làm thức ăn cho động vật) ước tính chỉ còn đủ tới cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Sau đó, các ngành công nghiệp thực phẩm khác sẽ bị ảnh hưởng. Trước tình hình này, mới đây Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch giảm lãi suất cho các khoản vay trợ cấp của chính phủ để mua thực phẩm.

Tại Ấn Độ – quốc gia tiêu thụ dầu thực vật nhiều nhất thế giới, sau khi nguồn cung dầu hoa hướng dương từ Ukraine bị cắt đứt thì nước này cũng buộc phải tìm nguồn cung dầu cọ thay thế. Còn tại Indonesia và Malaysia, các nhà xuất khẩu dầu cọ buộc phải thắt chặt xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung trong nước. Chính phủ Indonesia còn đưa ra yêu cầu buộc các đối tác nước ngoài chỉ được phép mua dầu cọ từ những doanh nghiệp trong nước đã đáp ứng được 20% nguồn cung nội địa.

Hiện tại Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu ngô, lúa mì, dầu hướng dương lớn trên thế giới cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và là nhà cung cấp yến mạch, các loại ngũ cốc cho Indonesia, Thái Lan, Philippines, Myanmar. Các chuyên gia kinh tế nhận định việc nguồn cung nguyên liệu lớn từ 2 quốc gia này bị giảm sẽ gây nên tình trạng đảo lộn, làm mất cân bằng chuỗi cung ứng lương thực tại châu Á; từ đó làm giảm sản lượng của các loại thực phẩm tiêu dùng khác và gia tăng lạm phát tại khu vực.

Còn theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service, tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia…, áp lực về giá cả hàng hóa gia tăng có thể khiến đồng tiền mất giá, từ đó dẫn tới lạm phát tăng cao và kéo chậm lại đà phát triển kinh tế.

Huy Hoàng