Chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP

Đó là thông tin được các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 tổ chức tại Hà Nội. Điều đáng quan ngại là chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore), cao gấp gần 2 lần các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Chính điều này đã kéo giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, ngành logistics ví như bánh xe của cỗ xe kinh tế đang hoạt động không ngừng nghỉ, Việt Nam đang trên xa lộ hội nhập quốc tế với nhiều FTA thế hệ mới đã đi vào thực thi, càng đòi hỏi cỗ xe kinh tế mạnh hơn, đi nhanh hơn và một trong những động lực quan trọng đó chính là một ngành logistics phát triển, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao hơn. Ngoài ra việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng được xem là “đòn bẩy” quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của ngành logistics về sau này.

Bà Stefanie Stallmeister – Giám đốc phụ trách hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết những năm gần đây, Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, từ thứ hạng 53 năm 2010 nâng lên hạng 39 vào năm 2018 và xếp hạng cao hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được, trong nội tại ngành logistics vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục, đặc biệt hoạt động logistics kém hiệu quả đã làm tăng chi phí kinh doanh và giảm tiềm năng hội nhập trong nước lẫn quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định không một nền kinh tế nào có thể phát triển được nếu thiếu đi lực đẩy của hoạt động logistics. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao tại Việt Nam với 14%/năm. Đến hết năm 2019, thị trường logistics đã có sự tham gia của hơn 4.000 DN trong nước. Tuy nhiên với hơn 4.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, thách thức lớn nhất là chi phí logistics tại Việt Nam còn cao. Theo thống kê của Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), hiện chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều các nước trong khu vực (Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore), cao gần gấp 2 lần các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo người đứng đầu VCCI, có ba vấn đề cơ bản khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh gồm: cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong vòng một thập kỷ qua nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn; gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính đang từng bước được gỡ bỏ nhưng dư địa để cải thiện vẫn còn rất nhiều; sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn khá lỏng lẻo. “Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistics là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập. Công nghệ internet vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ cảm biến, thực tế tăng cường, in 3D, công nghệ rô-bốt và phương tiện bay không người lái sẽ là những yếu đột phá ảnh hưởng sâu sắc tới lĩnh vực logistics trong 5-15 năm sắp tới. Số hoá và thông minh hoá là hành trình để ngành logistic có thể vươn xa” – ông Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để cắt giảm chi phí logistics cần một kế hoạch vừa cụ thể vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đâu tiên cần chú trọng nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, nhất là sự kết nối giữa các phương thức vận tải, tránh tình trạng dồn quá nhiều vào một phương thức vận tải như đường bộ mà bỏ ngỏ tiềm năng của các phương thức khác như đường sắt, đường thủy….Ngoài ra cần chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển. Bản thân các doanh nghiệp logistics cũng cần có kế hoạch để chủ động nâng cấp dịch vụ, đáp ứng được chất lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng; qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Minh Anh