Chỉ lối cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp cận thị trường lớn EU

Với mục tiêu đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp cận thị trường dịch vụ logistics EU, Cục Xúc tiến thương mại vừa phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức thành công “Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam – EU 2020”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của 150 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và các nước EU hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Cơ hội đi kèm thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết những năm qua quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – EU đã có sự phát triển toàn diện và hiện EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU có giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 song vẫn đạt mức cao với 33,23 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 12,42 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Phú, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải…Những năm gần đây ngành logistics Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao từ 13-15%. Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ nội tại bản thân doanh nghiệp. Đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 đã và đang tạo ra cú huých lớn cho phát triển thương mại Việt Nam – EU, kéo theo những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực logistics.

Tuy nhiên đi kèm thuận lợi là không ít thách thức trong hợp tác logistics giữa Việt Nam với các nước EU; trong đó có những khó khăn từ một số hoạt động logistics không diễn ra như thông lệ do tác động của đại dịch Covid 19. Đơn cử như thời gian qua, một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ và khan hiếm, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU có sự thay đổi… Chính điều này đã khiến hoạt động xuất khẩu hàng hoá vào EU gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những bất cập trên, từng bước nâng cao hiệu quả nhoạt động trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU, ông Phú nhận định việc tối ưu hóa chất lượng, hình thức thực hiện các dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – EU trong điều kiện kinh tế mới dưới tác động của dịch bệnh và tiến tới hậu Covid 19 là một trong những giải pháp vô cùng cấp thiết. Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ cũng đang rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung – doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng logistics theo hướng đồng bộ; tăng tính kết nối của phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa những quy trình hoạt động…

Cùng với EVFTA, tháng 11 vừa qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã ký kết. Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, giảm thuế về 0% thì RCEP lại hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, tạo thuận lợi hóa thương mại và kết nối sản xuất hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Do đó, RCEP sẽ là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế.

Nắm bắt cơ hội, hạn chế rủi ro

Xoay quanh các cơ hội hợp tác với ngành logistics Việt Nam, ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, hợp tác thương mại Việt Nam – EU hứa hẹn sẽ phát triển sôi động hơn bao giờ hết, tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp dịch vụ logistics của cả hai bên mở rộng phạm vi kinh doanh, phục vụ được nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại hơn nữa.

Để thúc đẩy phát triển logictics, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị Việt Nam cần tham gia triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ trong logistics, đẩy mạnh đào tạo nhân lực logistics cũng như tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mới (logistics đô thị, logistics tuần hoàn, logistics xanh…). Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới của khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Còn theo ông Gilbert Canameras – Chủ tịch FRANCORISK, chuyên gia tư vấn ngoại thương Pháp, việc đánh giá, xử lý rủi ro là yêu cầu hàng đầu đối với bất cứ doanh nghiệp nào bởi khi doanh nghiệp tham gia vào thế giới thay đổi liên tục, các rủi ro sẽ càng ngày càng tăng cao. Do đó doanh nghiệp cần trang bị hệ thống dự báo rủi ro để giảm thiểu các rủi ro. Với từng rủi ro như rủi ro từ yếu tố nội tại (hỏng máy móc, con người) đến yếu tố khách quan, doanh nghiệp cần xác định rủi ro nào có thể chấp nhận và rủi ro nào không thể chấp nhận và đưa ra những biện pháp phù hợp để giảm thiểu.

Thuỷ Tiên