Chế biến sâu hướng tới nâng cao chuỗi giá trị, thương hiệu cà phê Việt trên trường quốc tế
Trong khi xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam chiếm tới 92% thì cà phê chế biến sâu lại chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng sản lượng cà phê nhân với vỏn vẹn chỉ 8%. Trước thực tế trên, để nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng cà phê xuất khẩu, các doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài đầu tư công nghệ chế biến sâu.
Dù là một trong những cường quốc thế giới về xuất khẩu cà phê với kim ngạch trên 3 tỷ USD Việt Nam chưa thực sự đi sâu vào khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm này. Cụ thể xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn 92%, trong khi cà phê được chế biến sâu chỉ chiếm 8% cho thấy năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành cà phê vẫn còn kém và chúng ta đang lãng phí rất lớn đối với tiềm năng của ngành này.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để nâng chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tới xuất khẩu bền vững thì thay vì xuất khẩu sản phẩm thô, các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Hiện nay cơ hội đầu tư chế biến sâu cà phê đối với Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê, cà phê chế biến, cụ thể là cà phê hòa tan Việt Nam đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ còn tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp Hội cà phê – Cacao Việt Nam cho biết với 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương đã ký kết sẽ tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ và mở ra thị trường rộng lớn cho ngành cà phê Việt Nam tiếp cận và thâm nhập thị trường thế giới. Theo đó đối với các FTA đã ký kết, phần lớn mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê nhân của Việt Nam vào các nước nhập khẩu đều bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 5 – 10% đến năm 2020. “Đây là nền tảng thuận lợi để các doanh nghiệp ngành cà phê tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực sản xuất chế biến chuyên sâu nhằm nâng cao chuỗi giá trị, thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế” – ông Tự nhấn mạnh.
Theo ghi nhận thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã nhận thức rõ hơn vai trò của chế biến sâu và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Trong đó có nhiều doanh nghiệp chơi lớn khi đầu tư hẳn hệ thống dây chuyền công nghệ tiến tiến của châu Âu. Nổi bật có thể kể đến Công Ty CP Tập đoàn Intimex khi doanh nghiệp này vừa khánh thành đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương tại Khu công nghiệp VSIP 2A, tỉnh Bình Dương. Nhà máy được đầu tư xây dựng trên dây chuyên công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới của Tập đoàn GEA Niro (Đan Mạnh), với công suất 550 kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn cà phê hòa tan/năm với giá trị đầu tư 30 triệu USD. Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị chuyên sâu cho sản phẩm cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời hướng tới xuất khẩu bền vững. Sau khi hoạt động chính thức và đạt công suất trong năm đầu 2020, Tập đoàn Intimex sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư đến năm 2025, đạt công suất 20.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD và trở thành nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam.
Trước đó ngày 6/3/2019, Tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng đã tổ chức khánh thành Nhà máy Tata Coffee Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II-A (xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đây là nhà máy sản xuất cà phê sấy lạnh, có công suất 5.000 tấn/năm, được xây dựng trên diện tích 80.000m2 tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II – A với tổng vốn đầu tư hơn 65 triệu USD nhằm cung ứng các sản phẩm cà phê hòa tan cho thị trường toàn cầu.
Tháng 12/2018, Công ty Cà phê Tín Nghĩa cũng đã chính thức khánh thành đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai với số vốn đầu tư trên 30 triệu USD. Thời điểm đó, Nhà máy đi vào hoạt động với công suất 3.200 tấn/năm; đến cuối 2019 đạt công suất 5.000 tấn/năm và dự kiến cuối năm 2021 sẽ đạt 10.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư cho các giai đoạn khoảng 100 triệu USD. Sản phẩm chủ lực của Nhà máy là cà phê rang xay, cà phê hòa tan hỗn hợp; đặc biệt sản phẩm cà phê hòa tan được sản xuất theo công nghệ “Sấy lạnh” (Freezed dried). Sản phẩm của Nhà máy phần lớn sẽ được tiêu thụ ở thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và một số nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đầu tư các dây chuyên công nghệ tiên tiến của châu Âu, các doanh nghiệp còn áp dụng hàng loạt các tiêu chuẩn toàn cầu trong quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm như BRC ISO 22000… Các nhà máy chế biến sâu đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị chuyên sâu cho sản phẩm cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời hướng tới xuất khẩu bền vững.
“Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê, Hiệp Hội cà phê – Cacao Việt Nam đang tích cực vận động các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ rang xay và cà phê hòa tan, hướng tới nâng cao chuỗi giá trị và xuất khẩu bền vững. Trong tương lai, việc đầu tư công nghệ chế biến sâu sẽ giúp nâng tỷ trọng cà phê chế biến lên 25% trong tổng sản lượng cà phê của cả nước. Trong 10 – 15 năm nữa, giá trị thị trường cà phê Việt Nam được nâng từ 3,5 tỷ USD lên 6 tỷ USD” – ông Lương Văn Tự nhấn mạnh.
Thùy Nhiên