Châu Âu thảo luận về việc tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

Châu Âu sẽ cân nhắc việc tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga do Mỹ dẫn đầu trong tuần này khi phương Tây đang tìm các phương cách mới để trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin vì đã tiến hành cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine.

Tại một loạt các cuộc họp bắt đầu từ thứ Hai, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc liệu có loại bỏ nhà cung cấp dầu lớn nhất cho khu vực hay không.

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói với các phóng viên: “Chúng ta phải thảo luận về cách chúng ta có thể hỗ trợ Ukraine hơn nữa, về mặt chính trị, kinh tế, với viện trợ nhân đạo, an ninh. Vì vậy, chúng tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ làm những gì có thể để ngăn chặn Putin và sự xâm lược của ông ấy đối với Ukraine. Điều quan trọng là các biện pháp trừng phạt kinh tế nên tiếp tục thúc đẩy hướng đó”.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia và bất chấp ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt tài chính chưa từng có của phương Tây và lệnh cấm vận do Mỹ và Anh công bố, nước này vẫn tiếp tục kiếm được hàng trăm triệu đô la mỗi ngày từ xuất khẩu năng lượng.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết khi đến Brussels tham dự cuộc họp với các đối tác EU: “Tôi nghĩ rằng không thể tránh khỏi việc bắt đầu nói về lĩnh vực năng lượng. Và chúng ta chắc chắn có thể nói về dầu mỏ, bởi vì nó là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách Nga”.

Các nước EU khác ủng hộ ý tưởng đánh vào tài sản quý giá nhất của Nga bằng các biện pháp trừng phạt.

Liên minh châu Âu hiện phụ thuộc vào Nga khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên. Nga cũng cung cấp khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than nhập khẩu.

Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo EU cho biết khối vẫn chưa thể cùng Mỹ cấm dầu của Nga, vì tác động sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình và các ngành công nghiệp vốn đang phải vật lộn với giá cao kỷ lục. Thay vào đó, họ cho biết sẽ làm việc hướng tới thời hạn cuối cùng là năm 2027 để chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào năng lượng của Nga.

Hiện cũng có nguy cơ Nga có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Phó Thủ tướng Alexander Novak trong tháng này cho biết Moscow có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 như một hành động trừng phạt cho việc Berlin chặn dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 mới.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này đang “làm việc hết tốc lực” để chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga nhưng cũng giống như một số nước EU khác, không thể ngừng mua dầu của Nga ngay lập tức.

Canada, Mỹ, Anh và Australia đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, ảnh hưởng đến khoảng 13% xuất khẩu của Nga. Và các động thái của các công ty dầu mỏ lớn và các ngân hàng toàn cầu ngừng giao dịch với Moscow sau cuộc xâm lược đang buộc Nga phải chào bán dầu thô của mình với mức chiết khấu rất lớn.

Hoàng Huỳnh