Châu Âu lo ngại về giá năng lượng kỷ lục

Giá năng lượng đang tăng chóng mặt trong bối cảnh mùa đông đến gần đang khiến châu Âu càng lo lắng.
Giá bán buôn của khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao kỷ lục ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý. Hóa đơn của các hộ gia đình và doanh nghiệp đã tăng vọt, và có thể còn cao hơn khi thời tiết lạnh giá bắt đầu và cần nhiều nhiên liệu hơn cho các hệ thống phát điện và sưởi ấm.
Dimitri Vergne, người đứng đầu nhóm năng lượng tại Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng giá rất lớn. Đây là điều đáng lo ngại trước mùa đông, khi lượng tiêu thụ khí đốt nhất thiết sẽ tăng lên”.
Tình hình hiện rất phức tạp. Một mùa xuân lạnh giá làm cạn kiệt lượng khí đốt tự nhiên tồn kho. Việc xây dựng lại nguồn dự trữ gặp nhiều khó khăn, do nhu cầu tăng vọt bất ngờ khi nền kinh tế phục hồi trở lại hậu Covid-19 và sự thèm muốn ngày càng tăng đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Trung Quốc. Nga cũng đang cung cấp ít khí đốt tự nhiên hơn cho thị trường so với trước đại dịch. Trong khi đó, các nguồn năng lượng khác không có nhiều sản lưoựng, với thời tiết mùa hè êm đềm khiến các trang trại gió ở Biển Bắc im lặng và các việc quốc gia từ bỏ sử dụng than khi áp lực gia tăng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đức cũng đang loại bỏ dần điện hạt nhân vào năm 2022. Tình hình xấu đi đang nhanh chóng chuyển thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tây Ban Nha đã công bố các biện pháp khẩn cấp để cắt giảm hóa đơn năng lượng, trong khi Pháp có kế hoạch thanh toán một lần 100 € (117 USD) cho gần 6 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Tại Vương quốc Anh – nơi lượng khí đốt tự nhiên tăng đột biến đã đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực – đội ngũ của Thủ tướng Boris Johnson đang tranh luận về mức độ cần hỗ trợ của nhà nước.
Các ngành công nghiệp trong khu vực đang chứng kiến chi phí tăng cao. Một số nhà sản xuất thép của Anh đã phải tạm ngừng hoạt động, theo tập đoàn thương mại UK Steel. Công ty phân bón Yara (YARIY) của Na Uy đang cắt giảm sản lượng amoniac ở châu Âu khoảng 40% do giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục. Giám đốc điều hành Yara, Svein Tore Holsether, cho biết: “Hiện tại, việc sản xuất amoniac ở châu Âu là không có lợi nhuận. Công ty sẽ tạm thời dựa vào các nhà máy ở những nơi khác trên thế giới để cung cấp cho khách hàng”.
Những ảnh huưởng này có thể đè nặng lên nền kinh tế châu Âu, đồng thời làm trầm trọng thêm lo ngại về lạm phát vào thời điểm mong manh trong quá trình phục hồi đại dịch. Jessica Hinds, nhà kinh tế châu Âu tại Capital Economics, cho biết: “Trong bối cảnh mọi người lo lắng về chi phí năng lượng cao hơn, họ có thể có xu hướng kìm hãm chi tiêu”.
Bảo Anh