Châu Âu lo ngại nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế như 2008

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo rằng châu Âu “sẽ chứng kiến một kịch bản gợi cho nhiều người nhớ về cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008”.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo, châu Âu có thể gặp cú sốc kinh tế như khủng hoảng tài chính năm 2008 nếu các nước không cùng hành động ngay.

Sáng ngày (11/3), giá các loại trái phiếu của Đức giảm. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng 5 điểm cơ bản, lên mức -0,41% vào lúc 9h44 tại Frankfurt. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy giảm 13 điểm cơ bản, còn 1,2%. Chỉ số Stoxx Europe 600 đã tăng 2,2%, lên mức cao trong phiên.

Bà Lagarde nói rằng các nhà hoạch định chính sách của ECB đang xem xét các công cụ thích hợp trong cuộc họp tuần này, đặc biệt là cung cấp một gói cấp vốn lãi suất “siêu thấp” và đảm bảo thanh khoản và ứng dụng dồi dào.

Nhưng người đứng đầu ECB cũng lưu ý các biện pháp này chỉ có thể tác dụng nếu các chính phủ trong khối cùng ra tay hỗ trợ, đảm bảo các ngân hàng tiếp tục cho vay với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Sự can thiệp mạnh mẽ cho thấy bà Lagarde sẽ thúc giục Hội đồng quản trị ECB nhanh chóng hành động để kích thích tiền tệ. Nhiều nhà kinh tế dự kiến ECB cắt giảm lãi suất vào thứ năm (12/3) và có thể mở rộng chương trình nới lỏng định lượng, hỗ trợ các ngân hàng cho vay lãi suất thấp.

“Rất nhiều công ty trong khu vực đồng euro đã cảm nhận được khó khăn từ Covid-19 lan rộng, nhưng các doanh nghiệp nhỏ có thể cần hỗ trợ nhiều hơn. ECB sẽ tích cực hành động vào tuần này, giúp tránh làn sóng phá sản và sa thải, vốn có khả năng đe dọa sự ổn định giá cả khi dịch bệnh đi qua”, David Powell, chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận xét.

Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu đã phong tỏa toàn quốc và đối mặt với ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng. Bà Lagarde cảnh báo thiệt hại có thể sẽ lan sang các quốc gia khác. Bà cũng ca ngợi một số động thái kịp thời trong một số lĩnh vực, nhưng cho rằng còn làm nhiều việc hơn.

Thất bại trong việc hành động quyết liệt ngay bây giờ sẽ làm gia tăng nguy cơ “sụp đổ một phần nền kinh tế của các quý vị”, người đứng đầu ECB nói với các nhà lãnh đạo EU.

Thùy An